Nothing Special   »   [go: up one dir, main page]

CASE STUDY VỀ CHÀO HÀNG VÀ CHẤP NHẬN CHÀO HÀNG CISG

Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 9

1.

Filanto case (tranh chấp về mẫu hợp đồng và điều khoản trọng tài)

Filanto S.p.A. v. Chilewich International Corp. (1992) 91 Civ. 3253 (CLB) U.S.
District Court, S.D., New York.

Trong nhiều trường hợp khi các bên mua bán hàng hóa trao đổi qua lại rất nhiều đề
nghị (offer) – đối nghị (counter-offer) bằng cả miệng và văn bản, việc xác định đề
nghị nào sẽ có giá trị ràng buộc đối với các bên là hết sức khó khăn, đặc biệt là khi
một hay hai bên đã tiến hành thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng. Tranh chấp
giữa bên bán (nguyên đơn) là một công ty của Ý với bên mua (bị đơn) là một công ty
ở New York, Mỹ. Nội dung tranh chấp về mẫu hợp đồng, trong đó điều khoản trọng
tài sẽ áp dụng theo thư đề nghị của bên nào. Các điều 7(1) and 7(2); 8(3); 11; 18; 19 ;
81(1) của CISG đã được tòa viện dẫn.

Diễn biến tranh chấp

Bên mua gửi một đơn đặt hàng đến bên bán của Ý về việc mua 100.000 đôi giày/ủng
tại biên giới Ý/Yugoslav tuân theo một mẫu hợp đồng khung về các điều khoản, trong
đó có điều khoản về trọng tài xử tại Mat-xcơ-va. Ngoài ra, theo đơn hàng này bên mua
phải mở Thư tín dụng cho bên bán trước mỗi đợt giao hàng. Bên bán chấp nhận đơn
đặt hàng này bằng một thư xác nhận, tuy nhiên có thông báo loại trừ điều khoản về
trọng tài (trước tòa bên mua tuyên bố không hề nhận được thông báo này). Chỉ khoảng
5 tháng sau khi nhận được đơn đặt hàng, bên mua mới nhận được một văn bản khác
của bên bán nêu rõ không chấp nhận áp dụng điều khoản trọng tài. Trong thời gian đó
các bên đàm phán bằng miệng nhiều lần về điều khoản trọng tài, đồng thời các bên bắt
đầu thực hiện hợp đồng trước khi đạt được thỏa thuận về điều khoản này. Bên mua đã
mở Thư tín dụng đầu tiên cho người thụ hưởng là bên bán, và bên bán đã vận chuyển
một phần hàng hóa theo thỏa thuận. Sau đó bên mua khiếu nại bên bán về lỗi hợp
đồng (hàng hóa có lỗi) và yêu cầu phân xử trọng tài tại Matx-cơ-va theo mẫu hợp
đồng khung ban đầu.

Quyết định của toà án

Tòa án cho rằng, tại thời điểm hợp đồng xác lập các bên tham gia hợp đồng có trụ sở
tại Mỹ và Ý, vì vậy hợp đồng thuộc sự điều chỉnh của Công ước Viên (CISG). Tòa đã
xem xét các giao dịch trước đó của các bên và cho rằng từ rất nhiều giao dịch theo
thông lệ của hai bên từ trước, bên bán có trách nhiệm phải cảnh báo bên mua kịp thời
về việc mình không đồng ý áp dụng điều khoản trọng tài, trách nhiệm này còn cao hơn
khi bên bán biết rằng bên mua đã mở Thư tín dụng cho người thụ hưởng là bên bán.
Tòa không chấp nhận lập luận bên bán cho rằng thư trả lời của bên bán từ chối áp
dụng điều khoản trọng tài đã tạo thành một đối nghị (Điều 19.3 CISG), vì thư này
được gửi quá trễ (sau 5 tháng kể từ khi bên bán nhận được đơn hàng của bên mua). Từ
đó tòa cũng cho rằng bên mua không hề ngầm định đồng ý với đề nghị triệt hạ đề nghị
cũ của bên bán. Ngược lại, việc bên bán đã vận chuyển một phần hàng hóa, cũng như
sau đó vẫn tiếp tục dựa vào mẫu hợp đồng khung cho thấy bên bán đã chấp nhận đề
nghị của bên mua thông qua hành động (Điều 18.1; 8.3 CISG). Cuối cùng, tòa kết luận
hợp đồng đã được hình thành trên cơ sở đơn hàng ban đầu do bên mua gửi (bao gồm
cả điều khoản trọng tài tại Matx-cơ-va) và được chấp nhận bởi bên bán.

Bài học kinh nghiệm

Thứ nhất: khi xem xét những trao đổi của các bên về mẫu hợp đồng, trọng tài và tòa
án có toàn quyền diễn giải CISG một cách linh hoạt (ví dụ như thời gian trả lời đề
nghị bao lâu là hợp lý, cân nhắc tiền lệ giao dịch của các bên để áp đặt trách nhiệm
cảnh báo của bên bán, chấp nhận thông tin văn bản hay bằng miệng) để xác định thời
điểm hợp đồng được hình thành cũng như đề nghị của bên nào mang giá trị ràng buộc.
Vì vậy, khi đề nghị/chào giá của một bên đối tác không có thời hạn hiệu lực cụ thể,
doanh nghiệp nên trả lời chấp thuận hoặc đề nghị triệt hạ đề nghị cũ bằng văn bản
trong thời gian sớm nhất có thể, với những tuyên bố rõ ràng về điểm khác trong đề
nghị mới của mình. Đồng thời cần tránh thực hiện hợp đồng trước khi đạt được những
thỏa thuận rõ ràng của các bên về những vấn đề quan trọng như điều khoản trọng tài.

Thứ hai: theo Điều 15.1 CISG một đề nghị chỉ được coi là có hiệu lực khi bên được đề
nghị nhận được đề nghị đó (khác với luật Việt Nam, một đề nghị có thể có hiệu lực
theo ấn định của bên đề nghị). Vì vậy để đảm bảo đề nghị của mình có hiệu lực, doanh
nghiệp cần kiểm tra kỹ để có xác nhận của đối tác là đã nhận được văn bản hay chưa,
tránh việc đối tác chối cãi hiệu lực đề nghị của mình.

2. Chấp nhận chào hàng bằng hành vi

Khi nhận được đơn chào hàng của đối tác nước ngoài, doanh nghiệp có thể chấp
nhận bằng văn bản, bằng lời nói. Thậm chí, bằng việc thực hiện một số hành vi
nhất định, người được chào hàng sẽ bị coi là đã chấp nhận chào hàng và bị ràng
buộc bởi chào hàng đó.

Tranh chấp giữa Nguyên đơn là một công ty của Achentina và Bị đơn là một công ty
của Italia trong quá trình giao kết hợp đồng. Hai bên tranh cãi về việc liệu hành vi của
Bị đơn có được coi là một hành vi chấp nhận chào hàng có hiệu lực hay không. Tranh
chấp được giải quyết tại Tòa án Achentina. Các điều 18 và 19 của Công ước Viên năm
1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (sau đây gọi tắt là CISG) đã được áp
dụng để giải quyết tranh chấp.

Diễn biến tranh chấp

Người mua Achentina đàm phán ký hợp đồng với người bán Italia để mua một số máy
móc công nghiệp. Người bán đã gửi cho người mua bản chào hàng căn cứ trên một
mẫu đơn chào hàng chuẩn. Người mua không có ý kiến gì về nội dung của chào hàng
trên ngoài việc yêu cầu thay đổi lại kích cỡ của một số phụ tùng kèm theo. Sau đó,
người mua đã ký vào đơn chào hàng và gửi đơn chào hàng đó đến một ngân hàng để
xin cấp tín dụng cho thương vụ này.

Tuy nhiên, sau đó, người mua lại làm đơn kiện người bán ra toà án Achentina với lý
do là hợp đồng chưa được thành lập. Người mua cho rằng chào hàng và chấp nhận
chào hàng chưa cấu thành một hợp đồng có hiệu lực. Người mua dẫn điều 18 CISG,
theo đó, im lặng hay không hành động (inaction) không được coi là chấp nhận chào
hàng.

Phân tích và quyết định của Toà án

Vì Achentina và Italia là hai quốc gia thành viên của CISG nên tòa án áp dụng CISG
để giải quyết tranh chấp. Toà án bình luận rằng theo điều 18 CISG thì im lặng hay
không hành động (inaction) tự nó không cấu thành chấp nhận chào hàng. Trường hợp
này, mặc dù người mua không chính thức trả lời người bán bằng văn bản hay bằng lời
nói nhưng người mua đã ký vào đơn chào hàng và gửi nó đến ngân hàng; đây chính là
hành động mà người mua thực hiện liên quan đến thanh toán tiền hàng, và hành vi này
có ý nghĩa là đã chấp nhận chào hàng theo quy định tại điều 18 khoản 1- CISG.

Ngoài ra, người mua có một số thay đổi về kích cỡ của một số phụ tùng kèm theo
nhưng những thay đổi này không được coi là những sửa đổi, bổ sung cơ bản chào
hàng ban đầu và vì thế không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của chấp nhận chào hàng
theo quy định tại điều 19 khoản 2 và khoản 3- CISG. Chỉ các yếu tố bổ sung hay thay
đổi liên quan đến các điều khoản giá cả, thanh toán, phẩm chất, số lượng, địa điểm &
thời gian giao hàng, phạm vi trách nhiệm các bên, việc giải quyết các tranh chấp mới
được coi là thay đổi cơ bản nội dung của chào hàng.

Với những lập luận đó, tòa án cho rằng người mua đã chấp nhận chào hàng của người
bán Italia. Toà án kết luận hợp đồng đã được thành lập và không thể bị bác bỏ.
Bài học kinh nghiệm

– Thứ nhất, theo quy định của điều 18-CISG, im lặng và không có hành động gì
(inaction) thì không được coi là chấp nhận chào hàng. Tuy vậy, việc thực hiện một số
hành vi lại được coi là chấp nhận chào hàng, ví dụ như hành vi liên quan đến việc gửi
hàng, mở thư tín dụng hay trả tiền chẳng hạn, dù người chấp nhận không thông báo
cho người chào hàng. Trong thực tiễn kinh doanh quốc tế, trường hợp chấp nhận như
vậy rất hay xảy ra, nhất là giữa các bên đã có mối quan hệ làm ăn từ trước. Tuy vậy,
pháp luật về hợp đồng của Việt Nam lại không có quy định gì về vấn đề này. Vì thế,
khi chấp nhận chào hàng, nên chấp nhận bằng văn bản, trong đó nêu rõ những nội
dung chấp nhận và những đề xuất chỉnh sửa nếu có, tránh trường hợp chấp nhận bằng
hành vi vì có thể gây ra những tranh chấp như vụ việc vừa phân tích.

– Thứ hai, khi nhận được chào hàng, nếu có những ý kiến trái với chào hàng thì cần
xem xét và đưa ra các đề nghị sửa đổi kịp thời, đầy đủ. Sau khi gửi chấp nhận chào
hàng (trong đó có một số sửa đổi, bổ sung chào hàng ban đầu) thì nên yêu cầu bên
chào hàng khẳng định lại (confirm) một lần nữa có đồng ý với những sửa đổi, bổ sung
đó hay không. Như vậy sẽ tránh được những tranh chấp khi hai bên đàm phán giao kết
hợp đồng một cách gián tiếp thông qua việc gửi các đơn chào hàng và chấp nhận chào
hàng./.

3. Sửa chữa chào hàng và những rủi ro

Khi nhận được chào hàng của người bán, nếu người mua có những thay đổi, bổ
sung thì đó không được coi là chấp nhận chào hàng. Tuy vậy, nếu những sửa đổi,
bổ sung đó không biến đổi một cách cơ bản chào hàng ban đầu, thì một hợp đồng
được coi là đã được thiết lập giữa hai bên.

Diễn biến tranh chấp

– 05/06/2000, người bán chào hàng 10.000 MT hạt cải dầu với tiêu chuẩn trên 38%
protein, độ ẩm dưới 12,5%. Giá là $ 78/MT, FOB, Zhang Jia Gang, China.

– 07/06/2000, người mua nhận được thư chào hàng và đề nghị người bán fax hợp
đồng và các điều kiện L/C cho người mua. Ngày 09/06, người bán fax hợp đồng số
SF0610, có đóng dấu.
Bên mua nhận được, nhưng xóa “không chấp nhận thuê tàu hơn 20 tuổi” và sửa “cước
phí trả trước” thành “cước phí sẽ được trả theo hợp đồng thuê tàu” trong bản hợp đồng
gốc, sau đó ký, đóng dấu và fax cho người bán.

Vào ngày 14/06, người bán đã fax cho văn phòng đại diện của người mua ở Hong
Kong, thể hiện rằng với lý do người mua đã tự ý sửa đổi hợp đồng, người bán không
thể xác nhận hợp đồng này. Ngày 22/06, người bán gửi thư cho người mua nói rằng
hợp đồng không có hiệu lực và L/C người mua mở đã không còn giá trị.

Cùng lúc đó, bên mua cũng trả lời bên bán, giải thích rằng bởi vì điều kiện giao hàng
trong hợp đồng là FOB, việc sửa lại tuổi tàu và việc trả cước phí sẽ không ảnh hưởng
gì đến việc thực hiện hợp đồng. Người mua đã cho người bán biết việc họ đã đồng ý
bán hàng 7000 MT hàng (trong số 10.000 MT theo hợp đồng) cho một khách hàng
Italy, Người mua cũng khuyến cáo người bán rằng nếu người bán từ chối thực hiện
việc giao hàng thì nghĩa là đã vi phạm hợp đồng. Trong thư, người mua đã yêu cầu
người bán xác nhận hợp đồng và thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng.

Ngày 23/06, người bán trả lời khăng khăng cho rằng hợp đồng đã vô hiệu, những điều
khoản về tuổi tàu và cước phí ảnh hưởng đến việc bốc dỡ của người bán. Người bán
vẫn cho rằng vì hợp đồng đã không còn giá trị nên mọi trách nhiệm và nghĩa vụ pháp
lý theo hợp đồng không còn ràng buộc hai bên.

Vì người bán từ chối thực hiện nghĩa vụ giao hàng, nên để thực hiện nghĩa vụ với
khách hàng Italy, người mua phải mua hàng thay thế với giá cao hơn (là $98.5/1MT)
từ công ty C, Singapore. Như vậy, người mua phải trả thêm $150,675 so với hợp đồng
với người bán.

Tranh chấp giữa 2 bên sau khi không giải quyết được bằng hòa giải thì bên mua đã đệ
đơn kiện lên CIETAC ngày 23/07/2001.

Lập luận của Nguyên đơn

Theo quan điểm của người mua thì hai bên đã có hợp đồng thông qua việc chào hàng
và chấp nhận chào hàng. Người mua đã liên lạc với người bán yêu cầu người bán thực
hiện hợp đồng nhưng người bán vẫn không thực hiện.

Trong tình huống đó, bên mua đã có những thiện chí để giải quyết hậu quả một cách
hợp lý bằng việc mua hàng thay thế (bên mua đã thông báo với bên bán về giải pháp
này). Chất lượng của hàng thay thế giống với trong hợp đồng, đồng thời giá thấp hơn
giá của hàng hóa đó trên thị trường quốc tế; những giải pháp bên mua thực hiện vì vậy
rất hợp lý.

Bên mua yêu cầu trọng tài đưa ra những quyết định sau:

● Người bán trả cho người mua US$150,675 tiền thiệt hại từ việc mua
hàng thay thế;
● Người bán trả tổn thất về lãi suất là US$10,547.25 (lãi suất tính theo
năm là 7%).
● Người bán phải trả chi phí trọng tài và phí luật sư của bên người mua
trong vụ kiện này.

Phân tích và quyết định của trọng tài

Vì cả Thụy Điển và Trung Quốc đều là thành viên của Công ước Viên 1980 nên hội
đồng trọng tài đã dựa vào nguồn luật này để xét xử tranh chấp.

– Phúc đáp chào hàng có thay đổi về điều khoản liên quan đến tuổi tàu và thanh
toán cước phí thuê tàu trên cơ sở điều kiện giao hàng FOB có được xem là chấp
nhận chào hàng hay không?

Rõ ràng ở đây có sự bất đồng quan điểm giữa người bán và người mua về việc lúc nào
thì một phúc đáp chào hàng được xem là một chấp nhận chào hàng. Người mua cho
rằng những thay đổi trong nội dung phúc đáp chào hàng của anh ta không ảnh hưởng
đến nội dung cơ bản của chào hàng; nhưng người bán thì cho rằng đó là mấu chốt để
kết luận hợp đồng chưa được hình thành. Theo điều 19 CISG:

● khoản 2: “…một sự phúc đáp có khuynh hướng chấp nhận chào hàng nhưng có
chứa đựng các điều khoản bổ sung hay những điều khoản khác mà không làm
biến đổi một cách cơ bản nội dung của chào hàng thì được coi là chấp nhận
chào hàng trừ phi người chào hàng ngay lập tức không biểu hiện bằng miệng để
phản đối những điểm khác biệt đó hoặc gửi thông báo về sự phản đối của mình
cho người được chào hàng. Nếu người chào hàng không làm như vậy, thì nội
dung của hợp đồng sẽ là nội dung của chào hàng với những sự sửa đổi nêu trong
chấp nhận chào hàng.”
● khoản 3: “Các yếu tố bổ sung hay sửa đổi liên quan đến các điều kiện giá cả,
thanh toán, đến phẩm chất và số lượng hàng hóa, địa điểm và thời hạn giao
hàng, đến phạm vi trách nhiệm của các bên hay đến sự giải quyết tranh chấp
được coi là những điều kiện làm biến đổi một cách cơ bản nội dung của chào
hàng.”

Xét thấy hai thay đổi trong phúc đáp chào hàng của người mua, bao gồm xóa “không
chấp nhận thuê tàu hơn 20 tuổi” và sửa “cước phí trả trước” thành “cước phí sẽ được
trả theo hợp đồng thuê tàu” trong bản hợp đồng gốc, không thuộc các yếu tố bổ sung
hay sửa đổi liên quan mà làm biến đổi một cách cơ bản nội dung của chào hàng như
đã nói ở trên. Theo điều kiện giao hàng trong hợp đồng là FOB, Incoterms 2000,
những thay đổi của người mua về độ tuổi của tàu và việc thanh toán cước phí không
làm thay đổi cơ bản nội dung của thư chào hàng, không làm tăng trách nhiệm của
người bán. Bên cạnh đó, người bán chậm trễ trong việc thông báo từ chối của mình
trước thay đổi trong phúc đáp của người mua. Theo khoản 2 điều 19 CISG, sự từ chối
của người bán trước thay đổi trong phúc đáp của người mua phải được thực hiện
“ngay lập tức”. Chính vì vậy, người bán trong trường hợp này đã coi như là chấp nhận
những thay đổi đó.

Dựa trên thực tế và theo những điều khoản trong Công ước Viên, hội đồng trọng tài
quyết định Hợp đồng số SF0610 có hiệu lực đối với cả bên bán và bên mua.

– Quyền của bên bị vi phạm được tiến hành giao dịch thay thế và được hưởng
chênh lệch giữa giá của hợp đồng và giá của hàng thay thế

Bằng việc ra phán quyết hợp đồng đã được hình thành trong trường hợp này, hội đồng
trọng tài cho rằng người mua được quyền đòi bồi thường thiệt hại. Vì người mua đã
phải mua hàng thay thế nên thiệt hại ở đây được tính toán dựa trên điều 75 CISG:
“…bên đòi bồi thường thiệt hại có thể đòi nhận phần chênh lệch giữa giá hợp đồng và
giá mua thay thế hay bán lại hàng cũng như mọi khoản tiền bồi thường thiệt hại khác
có thể đòi được chiếu theo Điều 74”.

Theo những bằng chứng mà người mua cung cấp, tòa án trọng tài tìm ra rằng bên mua
đã mua 7350 tấn hàng hóa thay thế, do đó bên bán cần phải trả khoản chênh lệch giữa
giá hợp đồng và giá mua hàng hóa thay thế , với số tiền bằng : (US $98.50/tấn – US
$78.00/tấn) * 7,350 tấn = US $150,675.00.

– Quyền được hưởng lãi suất

Ngoài số tiền chênh lệch mà người mua được hưởng do phải tiến hành giao dịch thay
thế ở trên, hội đồng trọng tài cũng tính thêm phần lãi suất người mua bị mất đi do
không thực hiện được hợp đồng. Số tiền lãi này được tính toán dựa trên điều 78 CISG
“Nếu một bên chậm thanh toán tiền hàng hay mọi khoản tiền thiếu khác, bên kia có
quyền đòi tiền lãi trên số tiền trả chậm đó mà không ảnh hưởng đến quyền đòi bồi
thường thiệt hại mà họ có quyền đòi hỏi chiếu theo điều 74”.

Tuy nhiên, hội đồng trọng tài nhận thấy mức lãi suất do người mua đưa ra là quá cao,
và thời hạn tính lãi quá dài, trong khi những bằng chứng không hỗ trợ tất cả các khiếu
nại của người mua về số tiền lãi. Tòa án Trọng tài cho rằng việc người bán phải trả
khoản lãi hàng năm với mức lãi suất 3% là hoàn toàn hợp lý.

– Phí luật sư:

Hội đồng trọng tài không hỗ trợ yêu cầu bồi thường cho người mua lệ phí luật sư, bởi
vì người mua đã không trình chứng cứ liên quan đến vấn đề này.

– Phí trọng tài

Hội đồng trọng tài cho rằng người bán phải nộp 90% lệ phí trọng tài, và người mua
phải nộp 10% còn lại.

Bình luận và lưu ý:

– Về chấp nhận chào hàng

Theo thông lệ trong hoạt động mua bán hàng hóa, một hợp đồng được xem là hình
thành khi có một chào hàng từ người bán và chấp nhận chào hàng từ người mua. Tuy
nhiên, cách qui định về chấp nhận chào hàng ở những nguồn luật khác nhau là khác
nhau. CISG có những quy định rất chi tiết về chấp nhận chào hàng, theo đó, trong một
số trường hợp, những thay đổi, bổ sung trong chấp nhận sẽ được xem là từ chối chào
hàng và cấu thành chào hàng mới; nhưng nếu những thay đổi bổ sung không làm thay
đổi cơ bản chào hàng ban đầu thì một hợp đồng vẫn được coi là được thiết lập. Cách
qui định này có điểm khác với luật Việt Nam. Điều 396 Bộ luật dân sự năm 2005 yêu
cầu chấp nhận chào hàng là phải chấp nhận toàn bộ nội dung của chào hàng và bất kỳ
sửa đổi bổ sung nào cũng là từ chối chào hàng; trong khi đó Công ước Viên cho phép
những thay đổi trong chấp nhận chào hàng mà không làm thay đổi nội dung cơ bản
của chào hàng ban đầu thì không ảnh hưởng đến việc hình thành hợp đồng.
Quy định này của CISG, áp dụng trong tranh chấp nói trên là hoàn toàn phù hợp, qua
đó, chúng ta thấy được tính linh hoạt của Công ước Viên trong việc điều chỉnh các vấn
đề liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa.
– Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Kết quả của tranh chấp là sự thất bại của người bán Trung Quốc, và số tiền bồi thường
thiệt hại cho người mua lên đến hàng nghìn đô la. Tổn thất này đến từ sự thiếu hiểu
biết của doanh nghiệp Trung Quốc khi tham gia vào sân chơi thương mại quốc tế. Mặc
dù Trung Quốc đã gia nhập Công ước viên nhưng rõ ràng là người bán Trung Quốc
không nắm được nội dung Công ước nên đã có những ứng xử không phù hợp với các
quy định mà Công ước nêu ra.

Từ bài học của doanh nghiệp Trung Quốc trong vụ tranh chấp này, các doanh nghiệp
Việt Nam cần ý thức được rằng, khi tham gia kí kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc
tế, thì vấn đề tìm hiểu về mặt pháp lý là cực kì quan trọng. Hợp đồng mua bán hàng
hóa có liên quan đến yếu tố nước ngoài thường phức tạp hơn trong vấn đề nguồn luật
điều chỉnh nên các doanh nghiệp cần phải biết hợp đồng của mình sẽ chịu sự điều
chỉnh của những nguồn luật nào: luật quốc tế hay luật quốc gia của nước bạn hàng, và
nguồn luật nào sẽ được ưu tiên áp dụng để có sự chuẩn bị tốt nhất. Vấn đề càng phức
tạp hơn khi có điểm khác biệt giữa luật quốc gia và nguồn luật khác được lựa chọn áp
dung, ví như trong tranh chấp này có sự khác biệt giữa chấp nhận chào hàng theo
Công ước Viên và theo luật Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể đã quen với
cách qui định của Bộ luật dân sự Việt Nam và có nguy cơ gặp rủi ro nếu áp đặt cách
qui định đó cho hợp đồng mua bán quốc tế. Nói cách khác, tìm hiểu luật và chơi theo
luật là cách tốt nhất để các doanh nghiệp tự bảo vệ lợi ích của mình trong hoạt động
ngoại thương ngày càng diễn ra mạnh mẽ như hiện nay./.

You might also like