Nothing Special   »   [go: up one dir, main page]

Đây Thôn VĨ D

Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 6

“Vườn thơ Hàn rộng không bờ bến nhưng càng đi xa càng thấy lạnh”.

Đó là
nhận định của nhà phê bình văn học Hoài Thanh về Hàn Mặc Tử – một trong
những gương mặt thơ tiêu biểu trong phong trào Thơ mới. Thông qua bài thơ “Đây
thôn Vĩ Dạ”, chúng ta có thể thấy được thế giới lạnh lẽo, sâu xa đến ám ảnh trong
hồn thơ của chàng thi sĩ họ Hàn với hệ thống ngôn từ, thi liệu, hình ảnh độc đáo.
Và ở mỗi một khổ thơ, tác giả đã tái hiện những không gian, khung cảnh thiên
nhiên khác nhau và có sự vận động, biến chuyển để xoáy sâu vào nỗi khát khao
giao cảm với tình người, tình đời.

Cuộc đời Hàn Mặc Tử thật ngắn ngủi và chịu nhiều đau thương, nhưng với
khả năng sáng tạo và nghị lực phi thường, ông đã để lại cho thế hệ sau nhiều tác
phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Qua diện mạo hết sức phức tạp và đầy bí ẩn của thơ
Hàn Mặc Tử, người ta vẫn thấy rõ một tình yêu đến đau đớn hướng về cuộc đời
trần thế. Tiêu biểu là bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ lúc đầu có tên Ở đây thôn Vĩ Dạ được
in trong tập Thơ Điên (về sau đổi thành Đau thương) được lấy cảm hứng từ mối
tình của Hàn Mặc Tử với một cô gái quê ở Vĩ Dạ, một xóm nhỏ bên dòng sông
Hương.

Bài thơ mở đầu bằng một hoài niệm mênh mang về cảnh và người thôn Vĩ.
Bức tranh thơ đẹp còn tình người thì tha thiết nhớ mong:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Có lẽ, với bất cứ ai khi đọc bài thơ này, cũng đều bị cuốn hút ngay từ câu thơ đầu
với những băn khoăn, vừa như hờn dỗi, như trách yêu. Câu hỏi ấy chính là sự phân
thân của nhà thơ, sự hóa thân của nhà thơ vào cô gái Huế. Chỉ một câu thôi, câu
hỏi nhưng lại chan chứa yêu thương. Tại sao lâu rồi anh không về chơi thôn Vĩ bên
bờ sông Hương thơ mộng, có người con gái anh thương? Nhà thơ sử dụng từ
“chơi” mà không sử dụng từ “thăm”. Nếu sử dụng từ “thăm” thì cấu trúc câu thơ
không thay đổi nhưng nó trở nên khách sáo, từ “chơi” gợi nên sự thân mật, gần gũi
thắm thiết, thân tình. Trong câu thơ, nhà thơ đã hé lộ cho người đọc tình cảm của
mình đối với cô gái Huế, xem cô gái Huế là một người thân thương hay chính cô
gái ấy xem nhà thơ như bạn tâm giao, tri kỷ. Mặt khác, sắc thái tu từ trong câu thơ
đầu còn là lời tự hỏi, tự trách mình: sao cảnh Huế đẹp vậy mà mình không trở về ?
Đó là một câu hỏi đớn đau, khắc khoải vì trở về Huế là điều không thể bởi nhà thơ
đang ở giai đoạn cuối của cơn bạo bệnh. Nhưng cũng chính câu hỏi tu từ ấy là
nguyên cớ để khơi dậy khao khát, hoài niệm.
Vì không thể trở về nên nhà thơ đã làm một cuộc hành hương trong tâm
tưởng. Đó là cảnh thôn quê trước buổi bình minh với những nét vẽ tươi tắn và đặc
sắc, vẻ đẹp của nắng với hai từ “nắng” lặp lại trong một câu thơ “Nhìn nắng hàng
cau nắng mới lên”. Có thể nói rằng ngòi bút của Hàn Mặc Tử là một ngòi bút tài
hoa trác tuyệt, người sẵn sàng phá vỡ cái quy tắc lặp từ tối kỵ của thi ca để tạo nên
một bức tranh với cái nền vàng nhàn nhạt, ánh nắng nhu hòa tràn ngập khắp không
gian, khiến vần thơ cũng như được thổi bừng sức sống ấm áp và tươi trẻ. Và cái
nắng ở đây cũng rất riêng ấy là “nắng hàng cau”, phải nói rằng cau là biểu tượng
của xứ Huế, loài cây có lợi thế về chiều cao, lúc nào cũng vươn lên thẳng tắp và
đón nhận một cách trọn vẹn nắng trời, toàn cây lấp lánh những ánh sáng xanh
vàng, khiến hồn người trở nên yêu đời hơn cả. Rồi “nắng mới lên” lại cũng là
những cảm tưởng mới về hình ảnh nắng của thôn Vĩ đó không phải là cái nắng gay
gắt đổ lửa giữa trưa hè mà đó là cái nắng trong trẻo, thanh khiết, dịu dàng hoàn
toàn tương khớp với “nắng hàng cau”, cũng mang một sức sống mới, tựa như tâm
hồn của thi nhân lúc nhận bưu thiếp của người cũ, có lẽ phải nói rằng đó là biểu
tượng của sự khởi đầu. Dưới vẻ đẹp của nắng vàng bao phủ là vẻ đẹp của khu vườn
xứ Huế với một màu xanh rất “mướt” đầy sức gợi với màu “xanh như ngọc”. Chỉ
một từ “mướt” thôi nhưng đã gợi ra cái sự trù phú, non tươi, mỡ màng tràn đầy
sinh khí của khu vườn thôn Vĩ, rồi cũng gợi ra cảnh một khu vườn mới tắm sương
đêm đang còn đọng nước, từng giọt sương trong trẻo đang lung linh dưới ánh mặt
trời, phản chiếu lại những tia nắng mới khiến cho từng tán lá xanh phát sáng, khơi
gợi liên tưởng về một màu xanh ngọc ngà, trong trẻo, tươi mát. Câu thơ lại thêm
một từ “ai” phiếm chỉ khiến cho toàn cảnh bức tranh trở nên có hồn và tình tứ hơn
cả, từ đó làm nổi bật lên vẻ đẹp của người thôn Vĩ trong câu “Lá trúc che ngang
mặt chữ điền”. Hàn Mặc Tử đã dùng bút pháp “thi trung hữu họa” của văn học
trung đại với những nét vẽ vừa thanh của lá trúc lòa xòa làm nổi bật lên cái nét
đậm của một khuôn mặt chữ điền duyên dáng, phúc hậu của người con gái. Đó là
gương mặt mang những nét đẹp phẩm chất mà người ta vẫn mong cầu ở người con
gái, nhân hậu, thủy chung, mang tướng hình có phúc phần về sau.
Hết tả cảnh ngày tươi tắn, trong trẻo, Hàn Mặc Tử lại đưa người đọc về với
cảnh đêm của xứ Huế, có nước có mây, có thuyền và đặc biệt là có cả ánh trăng,
thi liệu quen thuộc trong thơ của tác giả. Có thể thấy rằng giữa hai khổ thơ có sự
chuyển đổi cảm xúc rất rõ rệt từ tình yêu đời, lòng vui sống tựa như nắng mai thì
Hàn Mặc Tử lại trở về với cảm giác hoang mang, lo lắng với những cảm giác bất
an, buồn rầu tựa như cảnh sông nước mênh mông lạnh lẽo. Ngay ở trong câu thơ
đầu tiên của khổ thơ thứ hai, ta đã thấy được sự chia lìa, ngang trái:
“Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay...
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?”
"Gió theo lối gió mây đường mây” ,Gió mây luôn đi đôi với nhau, sóng đôi cùng
nhau, vậy mà ở đây lại chia lìa xa cách, gió một đằng, mây một nẻo. Tại sao vậy?
Có phải chăng trái tim thi sĩ luôn trĩu nặng chia lìa, thành ra nhìn đâu cũng thấy
chia ly cách biệt. Không chỉ gió mây chia lìa, sông nước hắt hiu, dòng nước buồn
thiu hoa bắp lay. Dòng sông ôm lấy nỗi buồn ngậm ngùi câm lặng, rười rượi.
Dòng sông vốn ủ sẵn mối sầu hay sự chia lìa, ly tán của gió mây đã gieo vào lòng
sông chết lặng? Hay mối sầu thăm thẳm trong lòng của thi sĩ đã ám vào dòng
sông? Khó có thể lý giải một cách rõ ràng được. Chỉ thấy đọc câu thơ lên, lòng ta
bỗng trào dâng một nỗi niềm bâng khuâng mà da diết, khắc khoải mà khôn nguôi.
Phụ họa với dòng nước buồn thiu là bông hoa bắp xám bạc khẽ lay trong gió.
Động từ “lay” tự nó vốn không vui, không buồn như trong câu thơ này, không
hiểu sao nó lại ẩn chứa nỗi niềm hiu hắt đến vậy. Có phải chữ “lay” ấy đã mang
theo nỗi buồn trong câu ca dao:

Ai về Rồng Dứa, ao Chuông

Gió lay bông sậy bỏ buồn cho em

Trong không gian nghệ thuật, hình ảnh hoa bắp lay thật tủi sầu. Tất cả dường như
đang bỏ nơi này mà đi. Gió bay đi, mây bay đi, dòng nước cũng trôi xuôi, chỉ còn
bông hoa bắp cô đơn, côi cút, vật vờ trên dòng sông hoang vắng. Động thái “lay”
như một sự níu giữ vu vơ, một lưu luyến vô vọng. Hình ảnh hoa bắp “lay” cứ như
hiện thân cho thân phận lạc loài, bơ vơ, bị cuộc đời lãng quên của thi sĩ.

Trăng giờ đây như một bám víu duy nhất, một tri âm, một cứu tinh, một cứu
chuộc! Tìm kiếm vẻ đẹp của những câu này, người phân tích thường chỉ chú mục
vào hình ảnh "sông trăng", "thuyền trăng" với thủ pháp huyền ảo hoá. Thực ra đó
chỉ là những vẻ đẹp thuộc cái duyên phô ra của thơ mà thôi. Tôi muốn nói đến chữ
khác lâu nay bị bỏ quên, bởi nó lặng lẽ khiêm nhường chứ không bóng bảy ồn ào.
Nhưng nó vẫn đẹp trong quên lãng. Ấy là chữ "kịp". Chữ "kịp" mới mang bi kịch
của tâm hồn ấy, thân phận ấy. Ta và cả người đọc sau ta nữa chắc chắn không thể
biết "tối nay" kia là tối nào cụ thể. Nhưng qua giọng khắc khoải và qua chữ "kịp"
này ta nhận ra một lời cầu khẩn. Dường như, nếu trăng không về "kịp" thì kẻ bị số
phận bỏ rơi bên rìa cuộc đời này, bỏ dưới trời sâu này sẽ hoàn toàn lâm vào tuyệt
vọng, vĩnh viễn đau thương. Như thế, chữ "kịp" đã hé mở cho ta một cách thế
sống: sống là chạy đua với thời gian. Một so sánh với Xuân Diệu có thể thấy rõ tác
giả hơn. Cũng chạy đua với thời gian, nhưng ở Xuân Diệu là để được hưởng tối đa,
sống để mà tận hưởng mọi hạnh phúc nơi trần giới, bởi đời người quá ngắn ngủi,
cái chết sẽ chờ đợi tất cả ở cuối con đường, còn Hàn Mặc Tử chỉ mong tối thiểu,
chỉ được sống không thôi đã là hạnh phúc rồi, bởi lưỡi hái của tử thần đã hơ lên
lạnh buốt sau lưng. Quĩ thời gian đang vơi đi từng giờ từng khắc, cuộc chia lìa vĩnh
viễn đã sát gần. Trong cảnh ngộ này, trăng dường như là điểm tựa duy nhất, là bấu
víu cuối cùng của kẻ cô đơn đang chới với trong nguy cơ chia lìa đương vây khốn.
Thơ là sự lên tiếng của thân phận, thật trớ trêu, định nghĩa ấy hoàn toàn đúng với
Hàn Mặc Tử.
Khổ thứ ba, giọng khắc khoải đã hiển hiện thành nhịp điệu. Khác hẳn các
đoạn trước, nhịp thơ ở đây gấp gáp hơn, khẩn khoản hơn:
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?

Từ “mơ” được đặt ở đầu câu càng nhấn mạnh giấc mộng của tác giả về một điều
đẹp đẽ, có vị khách đường xa tới thăm, cùng đồng điệu, tâm sự với kẻ cô đơn trong
cảnh bệnh tật. Đang từ cõi thực, Hàn Mặc Tử chuyển bước vào cõi mơ, thể hiện rất
rõ cái hông thơ phức tạp và khó hiểu bậc nhất của mình trong làng thơ ca Việt Nam
đương đại. “Mơ khách đường xa khách đường xa”, đó cũng là một câu thơ mập
mờ, không rõ ý, “khách đường xa” được lặp lại hai lần, như nhấn mạnh sự xuất
hiện của nhân vật này, tuy nhiên càng nêu bật lại càng mờ mịt. Vị khách ấy là từ
trong mơ, không rõ mặt, không rõ diện mạo, chỉ biết là họ đang ngày càng xa tầm
với, xa mãi không trở lại, ám chỉ sự vô vọng của Hàn Mặc Tử trong mối tình với
nàng Kim Cúc xứ Huế, cũng như sự tồn tại của ông trên cõi đời ngày càng trở nên
mong manh, mờ mịt.

Đến câu thơ tiếp “Áo em trắng quá nhìn không ra”, là bóng dáng chập chờn
của người con gái ông yêu trong tiềm thức, bộc lộ khoảng cách ngày một xa xôi
giữa ông và nàng, đó không chỉ là khoảng cách về địa lý, mà còn là khoảng cách
tâm hồn, khoảng cách sinh ly tử biệt không thể vãn hồi. Chính những khoảng cách
ấy, đã khiến Hàn Mặc Tử ngày càng tuyệt vọng, và bóng dáng cô gái năm xưa
ngày càng trở nên mờ mịt, ông nhìn không rõ, sờ không được, muốn mà không thể
chạm tới đầy xót xa. Để giải thích cho cái sự mờ nhạt, không rõ của nhân vật “em”,
tác giả đã viết “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”, nhằm xóa bớt khoảng cách, vịn
vào lý do sương khói mờ mịt xứ Huế làm ông không thể thấy rõ, thế nhưng nó lại
càng nhấn mạnh vào cái sự mờ mịt, bế tắc và tuyệt vọng của Hàn Mặc Tử trước
cuộc đời, khi chính bàn tay ông cũng chẳng thể nào vén lớp sương mù để tìm thấy
bóng hình yêu thương, cũng chẳng thể chống lại số mệnh từ chối cái chết. 

Sự đớn đau, mặc cảm số phận đã khiến tác giả không thể mở lòng mình để
hiểu rõ tình cảm của nàng Kim Cúc, cũng như chẳng thể đưa bản thân thoát khỏi
những mộng tưởng dày đặc, trước tình cảnh ấy ông chỉ còn có thể thốt lên “Ai biết
tình ai có đậm đà?”, đó như là lời gửi đến người con gái phương xa liệu có còn nhớ
mong kẻ tội nghiệp này, rồi cũng là lời trách móc nhiều đau thương khi lòng ông lo
sợ Kim Cúc vốn đã không còn mặn mà với đoạn tình cảm này từ lâu. Cuối cùng ấy
còn có thể là lời yêu ông muốn nhắn gửi một cách thật ý nhị, kín đáo vì biết mình
không còn sống được bao lâu đến cô gái xứ Huế, ông muốn nàng biết tình cảm của
mình, lại cũng muốn nàng không biết, sự phức tạp và mâu thuẫn ấy chính là xuất
phát bởi một tâm hồn có quá nhiều thương tổn, đồng thời đang tiến dần những
ngày cuối của cuộc đời trần thế, chính lẽ đó người ta không thể có quá nhiều tự tin,
hay là gieo rắc hy vọng, tình yêu cho một ai khác. Chi bằng tự ôm lấy nỗi đau, tình
yêu tuyệt vọng ấy một mình cho đến hết cuộc đời ngắn ngủi.

Đặc sắc của thi phẩm còn được tạo nên ở những nghệ thuật mang phong
cách riêng của Hàn Mặc Tử. Với những hình ảnh tượng trưng đầy hàm nghĩa, với
nhưng câu hỏi tu từ trải đều trên các khổ thơ mang theo ý niệm riêng, cùng lối viết
cách điệu hóa, pha lồng ảo thực đã phác họa ra trước mắt ta một khung cảnh nên
thơ, đầy sức sống và ẩn trong đấy là nỗi lòng của chính nhà thơ: nỗi đau đớn trước
sự cô đơn, buồn chán trần thế, đau cho số phận ngắn ngủi của mình.

Bài thơ  “Đây thôn Vĩ Dạ”  là một thi phẩm để đời của Hàn mặc tử. Bài thơ
được viết trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt khi nhà thơ đang chữa bệnh trong trại
Phong ở Quy Nhơn. Do đó, nó thể hiện rõ được tiếng lòng của một thi sĩ đang khao
khát được yêu nhưng lại bị giam lỏng giữa những đắng cay của cuộc sống. Bài thơ
là cả bầu trời nỗi nhớ về cảnh vật và con người thôn vĩ, thể hiện được mối tình đơn
phương vô vọng nhưng cũng rất đỗi thiết tha yêu đời của thi nhân Hàn Mặc Tử.
Nhắc đến Huế, ta không thể quên bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ, và nhắc đến Hàn Mặc
Tử ta càng không thể quên vẻ đẹp của Huế, đặc biệt là không thể quên vẻ đẹp thôn
Vĩ trong thi phẩm để đời của ông.

You might also like