Võ Hoàng Yên
Võ Hoàng Yên | |
---|---|
Sinh | 1 tháng 1, 1975 ấp Cái Nước, thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, Việt Nam Cộng hòa |
Quốc tịch | Việt Nam |
Trường lớp | Trường Trung cấp Y tế Tuệ Tĩnh Thanh Hóa (Tốt nghiệp Trung cấp chuyên nghiệp Y sĩ Y học cổ truyền) |
Nghề nghiệp | Y sĩ trung cấp Đông Y |
Nổi tiếng vì | Cách chữa bệnh |
Quê quán | Cà Mau, Việt Nam |
Giải thưởng | Bằng khen của tỉnh Quảng Ngãi (bị thu hồi) |
Võ Hoàng Yên (sinh ngày 1 tháng 1 năm 1975) là một người hành nghề khám chữa bệnh[1] cho các bệnh nhân bằng phương pháp y học cổ truyền. Ông được quảng bá với khả năng chữa bệnh câm điếc, bại liệt do tai biến bằng phương pháp khí công, bấm huyệt.[2][3][4] Vào năm 2021, ông đã bị nhiều bệnh nhân tố giác vì có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người bệnh bằng tiền phí lên tới hàng tỷ đồng.[5] Cũng theo các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Ngãi thì những bệnh nhân được ông Yên chữa chưa có ai khỏi bệnh.[6][7]
Tiểu sử
[sửa | sửa mã nguồn]Võ Hoàng Yên sinh ngày 1 tháng 1 năm 1975 trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Khi còn nhỏ, ông đã được gửi vào chùa Hưng Nghĩa Tự (thị trấn Cái Nước). Ở đó, ông được các thượng tọa chỉ dạy cách trị bệnh bằng phương pháp Y học cổ truyền.[8]
Sau đó, Võ Hoàng Yên được ở các chùa khác để ăn học. Trong thời gian này, ông được học và thực hành nhiều cách chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền. Sau nhiều năm bôn ba với nghề khám bệnh, bốc thuốc, ông đã học được các phương pháp trị bệnh theo y học cổ truyền và nghiên cứu thành đề tài riêng trên nền tảng của mình.[3][4][9]
Từ ngày 10 tháng 1 năm 2011, ông Yên được chuyển hộ khẩu thường trú từ thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau đến thôn 3, xã Gia An, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận.[10][11]
Ông Võ Hoàng Yên có bằng tốt nghiệp Trung cấp chuyên nghiệp Y sĩ Y học cổ truyền do Trường Trung cấp Y tế Tuệ Tĩnh Thanh Hóa cấp ngày 14 tháng 7 năm 2017.[10] Sau khi tốt nghiệp, ông Yên đến Trung tâm Y tế Hàm Tân (Bình Thuận) thực hành khám chữa bệnh tại khoa Y học cổ truyền do bác sĩ Lê Trung Nhật hướng dẫn (từ 20 tháng 9 năm 2017 đến 20 tháng 9 năm 2018). Kết thúc thời gian học, ông được Trung tâm Y tế Hàm Tân xác nhận quá trình thực hành chuyên môn: Khám bệnh, chữa bệnh bằng phương pháp Y học cổ truyền.[11]
Ông cũng được Sở Y tế Bình Thuận cấp Chứng chỉ hành nghề số 4390/BTH-CCHN ngày 8 tháng 11 năm 2018 với phạm vi hoạt động: Khám bệnh, chữa bệnh bằng Y học cổ truyền.[10] Hai cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Y học cổ truyền (được Sở Y tế Bình Thuận cấp Giấy phép hoạt động), nơi Võ Hoàng Yên đăng ký làm việc là Phước Thiện Hưng An Tự ở xã Gia An, huyện Tánh Linh và Phước Thiện Hưng Nghĩa Tự tại thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân.[10] Tại cơ sở Phước Thiện Hưng An Tự, ông Yên làm việc từ ngày 20 đến ngày 30 hàng tháng và bắt đầu từ tháng 11 năm 2018 đến nay. Còn tại phòng thuốc nam Phước Thiện Hưng Nghĩa Tự ông Yên tham gia làm việc từ ngày 10 đến ngày 20 hàng tháng và bắt đầu từ tháng 1 năm 2019 đến nay.[11][12]
Ngoài ra, Võ Hoàng Yên còn là Giám đốc Công ty Cổ phần Phú Bình Yên, chuyên sản xuất và trồng cao su ở thôn 3, xã Gia An, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận.[13]
Phương pháp chữa bệnh
[sửa | sửa mã nguồn]Ban đầu, Võ Hoàng Yên được biết đến là người thường chữa bệnh cho các bệnh nhân bằng phương pháp bấm huyệt và nhiều phương pháp khác.[2] Từ trước tháng 7 năm 2011, do ông Yên chưa có giấy phép hành nghề nên ông chỉ chữa bệnh ở những chùa, nhà dân rộng rãi, đối tượng chữa bệnh là người dân và cách chữa bệnh mang tính từ thiện, miễn phí cho bệnh nhân.[14][15]
Võ Hoàng Yên nói mình chỉ trị bệnh theo phương pháp khoa học cổ truyền, không hề có yếu tố "thần thánh" gì cả. Ông khẳng định mình đang khám và chữa bệnh theo phương pháp thông thường của đông y, tức khai thông huyệt đạo mang tính khoa học rõ ràng, trong đó có cái của riêng ông do trải nghiệm trước đây. Trong quá trình trị bệnh, ông chỉ giúp bệnh nhân sửa lại khiếm khuyết bằng phương pháp khai thông huyệt đạo trên cơ sở khoa học.[cần kiểm chứng]
Bê bối
[sửa | sửa mã nguồn]- Trong hai năm 2009 và 2010, UBND huyện Cái Nước đã ra hai quyết định xử phạt hành chính đối với ông Yên với số tiền 6 triệu đồng vì hành nghề khám chữa bệnh không có giấy phép. Ngày 9 tháng 6 năm 2011, vì ông vẫn chưa có giấy phép khám chữa bệnh nên Phòng Y tế huyện Cái Nước đã phạt hành chính ông lần thứ ba.[16]
- Vào ngày 1 tháng 3 năm 2021, Võ Hoàng Yên đã bị vợ chồng doanh nhân Huỳnh Uy Dũng (Dũng "Lò Vôi") và Nguyễn Phương Hằng tố cáo lừa đảo chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng.[17] Dù bốn ngày sau đó ông Yên đã xin được gửi trả lại số tiền trên, vợ chồng ông Dũng vẫn từ chối và nói rằng sẽ "tố cáo, vạch trần bộ mặt thật của ông ra cho tới cùng".[18][19] Cũng trong tháng 3 cùng năm, Võ Hoàng Yên đã bị tố dàn cảnh chữa bệnh, chữa bệnh không đúng pháp luật,[20] thu tiền của bệnh nhân dù không chữa được bệnh.[19][21]
- Ngày 18 tháng 3 năm 2021, Sở Y tế Bình Thuận ra quyết định thu hồi giấy phép khám chữa bệnh của cơ sở Phước Thiện Hưng Nghĩa Tự (tại thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân) do bà Lê Thị Thu Hương, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật, có đơn xin dừng hoạt động. Theo bà Hương thì từ ngày được Sở Y tế cấp phép đến nay cơ sở không hoạt động.[11] Cùng với đó là việc Quảng Ngãi cũng dừng việc mời, cấp phép cho ông Võ Hoàng Yên chữa bệnh vì lý do phương pháp chữa bệnh không khoa học và có dấu hiệu lừa dối, gây hại cho người bệnh.[22]
- Ngày 9 tháng 4 năm 2021, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết đã ký quyết định hủy bỏ khen thưởng đối với ông Võ Hoàng Yên cùng cộng sự mà tỉnh này đã ký ban hành trước đó.[22]
- Dựa trên lời kể và tố cáo của nhiều nhân chứng được "thần y" Võ Hoàng Yên chữa bệnh thì họ đều cho rằng Võ Hoàng Yên là một kẻ lừa đảo.
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Một số nguồn gọi là "thần y".
- ^ a b Biện Nhung (6 tháng 11 năm 2011). “Hóng chuyện "thần y" bấm huyệt chữa bệnh”. Báo Hà Tĩnh.
- ^ a b “Sự thật về thần y Võ Hoàng Yên”. VTC News. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 10 năm 2014. Truy cập ngày 18 tháng 3 năm 2021.
- ^ a b Ngọc Tuệ; Ngọc Tuệ (1 tháng 7 năm 2015). “80% bệnh nhân câm điếc bẩm sinh là do tiêm kháng sinh quá liều”. Một thế giới. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 18 tháng 3 năm 2021.
- ^ Lê Phong (3 tháng 3 năm 2021). “"Thần y" Võ Hoàng Yên bị tố lừa hàng tỉ đồng”. Người lao động.
- ^ “Ông Võ Hoàng Yên tuyên bố "đã chữa câm cho 4.000", nhưng kết quả thế nào?”. Lao động. 12 tháng 3 năm 2021.
- ^ Trần Mai (22 tháng 3 năm 2021). “Mất 200 triệu tiền ngân sách cho 'thần y' Võ Hoàng Yên mà không ai hết bệnh”. Tuổi trẻ.
- ^ Đức Trí - Quốc Phong (1 tháng 5 năm 2011). “Thần y Võ Hoàng Yên chữa bệnh cứu người”. Báo Công an nhân dân.
- ^ Quỳnh Như, Hồ Văn (27 tháng 4 năm 2011). “Đã có lịch trình cụ thể của lương y Võ Hoàng Yên”. Người lao động.
- ^ a b c d Đình Châu (25 tháng 3 năm 2021). "Bình Thuận thông tin về hoạt động khám, chữa bệnh của ông Võ Hoàng Yên", Nhân Dân.
- ^ a b c d Phương Nam (25 tháng 3 năm 2021). "Thu giấy phép chữa bệnh nơi liên quan 'thần y' Võ Hoàng Yên", Pháp Luật.
- ^ Lê Huân (12 tháng 3 năm 2021). "Sự thật về chuyên môn khám, trị bệnh của ông Võ Hoàng Yên", Vietnamnet
- ^ “CTY CỔ PHẦN PHÚ BÌNH YÊN - Thông tin doanh nghiệp”. INFO Doanh Nghiệp.
- ^ “Thông báo (Về việc khám, chữa bệnh từ thiện tại chùa Thiên Ân)”. Báo Bình Dương. 4 tháng 5 năm 2011. Truy cập ngày 18 tháng 3 năm 2021.
- ^ “Lương y Võ Hoàng Yên - "thần y" trị bệnh miễn phí, cứu người”. Báo Bình Dương điện tử. 23 tháng 4 năm 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 3 năm 2021. Truy cập ngày 18 tháng 3 năm 2021.
- ^ Gia Bách (9 tháng 6 năm 2011). “Phạt "thần y" trị bệnh không phép 3 triệu đồng”. Thanh niên. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 10 năm 2016. Truy cập ngày 18 tháng 3 năm 2021.
- ^ Đình Trọng (1 tháng 3 năm 2021). “Vợ ông Dũng "lò vôi" tố một "thần y" lừa tiền cứu trợ lũ lụt, xây chùa”. Lao động. Truy cập ngày 18 tháng 3 năm 2021.
- ^ “Vợ chồng ông Dũng 'lò vôi' tố cáo Võ Hoàng Yên: Ông Yên xin trả tiền”. Báo Thanh niên. 7 tháng 3 năm 2021. Truy cập ngày 19 tháng 3 năm 2021.
- ^ a b Lê Thanh Phong (7 tháng 3 năm 2021). “Ông Yên trả tiền cho ông Dũng, vậy tiền của bệnh nhân thì sao?”. Lao động. Truy cập ngày 19 tháng 3 năm 2021.
- ^ Thùy Linh (10 tháng 3 năm 2021). “Vụ ông Võ Hoàng Yên bị tố cáo dàn cảnh chữa bệnh nan y: "Chữa bệnh như vậy là không đúng quy định của pháp luật"”. Lao động. Truy cập ngày 18 tháng 3 năm 2021.
- ^ “Nhân chứng nói phải nộp tiền các khoản để được ông Võ Hoàng Yên chữa trị”. Lao động. 15 tháng 3 năm 2021. Truy cập ngày 19 tháng 3 năm 2021.
- ^ a b Phạm Anh, Thành Sự (14 tháng 3 năm 2021). “Quảng Ngãi dừng việc mời, cấp phép cho ông Võ Hoàng Yên chữa bệnh”. Thanh niên. Truy cập ngày 6 tháng 4 năm 2021.
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]- Thực hư tài chữa bệnh của 'thần y' Võ Hoàng Yên Liên Châu Thanh Niên 10/03/2021