Chiến dịch Hồ Chí Minh
Chiến dịch Hồ Chí Minh | |||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|
Một phần của Chiến dịch mùa Xuân năm 1975 trong Chiến tranh Việt Nam | |||||||
Bức ảnh chụp chiếc xe tăng 390 (ở giữa) của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam - chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cổng dinh Độc Lập vào trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975 của nữ nhà báo Pháp Françoise Demulder. Hình mũi tên chỉ vào Đại đội trưởng Bùi Quang Thận, người đã cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập [1] | |||||||
| |||||||
Tham chiến | |||||||
Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam Việt Nam Dân chủ Cộng hòa |
Hoa Kỳ Việt Nam Cộng hòa | ||||||
Chỉ huy và lãnh đạo | |||||||
Võ Nguyên Giáp Văn Tiến Dũng Hoàng Văn Thái Lê Trọng Tấn Trần Văn Trà Lê Đức Anh Đinh Đức Thiện Bùi Phùng Lê Ngọc Hiền Hoàng Cầm Vũ Lăng Nguyễn Hữu An Nguyễn Hòa |
Dương Văn Minh Cao Văn Viên Trần Văn Đôn Nguyễn Phúc Vĩnh Lộc Chung Tấn Cang Nguyễn Hữu Hạnh (POW) Nguyễn Văn Toàn Nguyễn Khoa Nam † Graham Martin (tổ chức di tản) | ||||||
Lực lượng | |||||||
250.000 bộ đội chủ lực, 20.000 bộ đội địa phương, 15 bệnh viện, 17 đội Quân y. 8 đoàn Hậu cần khu vực với 32.500 bộ đội. 180.000 dân công phục vụ hậu cần chiến dịch và du kích địa phương.[4] Trang bị: 265 xe tăng và 127 xe thiết giáp, 241 pháo xe kéo, 88 pháo mang vác, hơn 400 pháo cao xạ |
Quân đoàn III: 245.000 binh sĩ Quân đoàn IV: 175.000 binh sĩ[5] Trang bị: 1.117 xe tăng và xe thiết giáp, 772 pháo cỡ lớn, hơn 1.200 máy bay, 1.431 tàu và xuồng chiến đấu | ||||||
Thương vong và tổn thất | |||||||
~6.000 chết và bị thương.[6] 29 xe tăng, 7 xe thiết giáp bị phá huỷ |
~15.700 chết và bị thương |
Chiến dịch Hồ Chí Minh, tên ban đầu là Chiến dịch Giải phóng Sài Gòn – Gia Định là chiến dịch cuối cùng của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trong Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 và Chiến tranh Việt Nam. Đây cũng là chiến dịch quân sự diễn ra trong thời gian ngắn nhất trong Chiến tranh Việt Nam, diễn ra từ ngày 26 tháng 4 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 tại Sài Gòn và kéo theo là sự tiếp quản của chính phủ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Đồng bằng sông Cửu Long trong hai ngày 1 và 2 tháng 5. Chiến dịch này dẫn đến việc chấm dứt hoàn toàn sự chia cắt thành hai vùng tập kết quân sự về mặt lãnh thổ giữa hai miền Nam – Bắc của Việt Nam vào năm 1975, đưa đến việc thống nhất xã hội, chế độ chính trị, dân cư và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trên đất liền, vùng lãnh hải, vùng trời và một số hải đảo [10] khác của Việt Nam vào năm 1976.
Hoàn cảnh ra đời
[sửa | sửa mã nguồn]Nguồn gốc tên gọi Chiến dịch Hồ Chí Minh
[sửa | sửa mã nguồn]Tên Chiến dịch Hồ Chí Minh do Bộ Chính trị quyết định. Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký chỉ thị của Quân ủy Trung ương mở Chiến dịch Hồ Chí Minh mà trong đó Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh; Lê Trọng Tấn, Lê Đức Anh và Trần Văn Trà làm Phó Tư lệnh; chỉ huy 5 cánh quân với sức mạnh của 20 sư đoàn đồng loạt tiến vào giải phóng Sài Gòn. Mệnh lệnh nổi tiếng của Đại tướng Tổng tư lệnh chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh là:
Thần tốc, thần tốc hơn nữa.
Táo bạo, táo bạo hơn nữa.
Tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng.
Ngày 8 tháng 4 năm 1975, tại Lộc Ninh, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Giải phóng Sài Gòn - Gia Định được thành lập với thành phần: Tư lệnh: Đại tướng Văn Tiến Dũng, Chính ủy: Phạm Hùng, các Phó Tư lệnh: Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Lê Đức Anh, Trung tướng Đinh Đức Thiện, Quyền Tham mưu trưởng: Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền, Chủ nhiệm Hậu cần: Thiếu tướng Bùi Phùng, sau đó bổ sung Trung tướng Lê Trọng Tấn làm Phó Tư lệnh và Trung tướng Lê Quang Hòa làm Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị. Có hai nhân vật lãnh đạo không phải là quân nhân tham gia là các ông Nguyễn Văn Linh và Võ Văn Kiệt.[cần dẫn nguồn] Ông Nguyễn Văn Linh được giao phụ trách công tác phát động quần chúng nổi dậy trong thành phố. Ông Võ Văn Kiệt được giao phụ trách công tác tiếp quản các cơ sở kinh tế, kỹ thuật sau khi Quân Giải phóng miền Nam chiếm được thành phố. Các thành viên dự hội nghị đã nhất trí đề nghị Bộ Chính trị cho lấy tên gọi "Chiến dịch Hồ Chí Minh" thay cho tên gọi "Chiến dịch Giải phóng Sài Gòn - Gia Định". Ngày 14 tháng 4, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam gửi Bức điện số 37/TK cho Bộ Chỉ huy Chiến dịch Giải phóng Sài Gòn – Gia Định:
“ |
Đồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh |
” |
— Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam[12] |
Tình thế trước cuộc tấn công
[sửa | sửa mã nguồn]Do kết quả của Chiến dịch Phan Rang - Xuân Lộc và các trận tấn công của Quân Giải phóng tại đồng bằng sông Cửu Long, đến ngày 25 tháng 4 năm 1975, Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã mất hầu hết các vị trí then chốt trong tuyến phòng thủ từ xa quanh Sài Gòn. Thành phố lúc này trở thành một ốc đảo chỉ còn giao lưu với bên ngoài bằng đường không. Tuy nhiên, đến ngày 26 tháng 4, các hãng hàng không nước ngoài đã đổi hướng tất cả các chuyến bay quá cảnh Tân Sơn Nhất và hủy bỏ hầu hết các chuyến bay đến và đi từ Sài Gòn. Đại sứ quán các nước lần lượt đóng cửa, hạ cờ. Theo mô tả của nhà báo Pháp Paul Drayfrus, thành phố này đã gần như điên loạn và đang chứng kiến sự kết thúc của một chế độ.[13]
Ngay khi sắp sửa phải rời đi khỏi Sài Gòn, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cũng vẫn không buông tha Việt Nam. Ngày 25 tháng 4, một đài phát thanh bí mật của CIA giả danh Đài Phát thanh Giải phóng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đặt tại Okinawa đã tung ra một tin thất thiệt là có một cuộc đảo chính vừa xảy ra tại Hà Nội và ba sư đoàn Quân Giải phóng đã phải quay lại miền Bắc.[14] Nhưng chính những người của CIA tại Sài Gòn khi đó cũng nhận định rằng đây là một trò bịp tồi và phần lớn người Sài Gòn đều cho rằng đó là một tin ngớ ngẩn và rằng mọi cố gắng nhằm lung lạc ý chí của đối phương ngay trước cửa ngõ Sài Gòn đều là những cố gắng vô ích, làm trò cười cho thiên hạ.[15] Trên thực tế, vào đầu năm 1973 đúng là có ba sư đoàn của Hà Nội bị tổn thất nặng sau chiến cuộc năm 1972 và phải rút ra Bắc an dưỡng. Nhưng họ đã quay lại chiến trường vào cuối năm 1974 với đội hình được trang bị đầy đủ.
Do sức ép lớn từ các tướng dưới quyền như Trần Văn Đôn, Cao Văn Viên, Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn, Bộ trưởng Kinh tế Nguyễn Văn Hảo,[16] Tổng thống Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu buộc phải từ chức vào ngày 21 tháng 4 năm 1975. Khi từ chức, Nguyễn Văn Thiệu đã xuất hiện trên truyền hình phát biểu suốt 3 giờ đồng hồ để trách móc việc thoái thác trách nhiệm của chính phủ Mỹ. Ông Thiệu đổ lỗi thất bại là do người Mỹ bằng những lời lẽ nửa tức giận, nửa thách thức:[17] "Mỹ đánh không lại Cộng sản nên bỏ mặc Việt Nam Cộng hòa đánh một mình thì làm sao ăn nổi. Có giỏi thì Mỹ vô đây lần nữa..." Ông Thiệu lên án thẳng Hoa Kỳ là "một đồng minh vô nhân đạo với những hành động vô nhân đạo".[18]
Cũng trong bài diễn văn từ chức, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố mạnh mẽ rằng ông ta sẽ tiếp tục cầm súng chiến đấu: "Dù mất một Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, quân đội vẫn còn Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, đồng bào còn một chiến sĩ Nguyễn Văn Thiệu. Tôi nguyện sẽ chiến đấu kề bên anh em chiến sĩ..." Nhưng những tuyên bố đó đã không được Nguyễn Văn Thiệu thực hiện. Chỉ 4 ngày sau, Nguyễn Văn Thiệu đã bí mật lên máy bay thoát khỏi Sài Gòn vào đêm ngày 25 tháng 4 năm 1975. Cuộc ra đi của Nguyễn Văn Thiệu diễn ra bí mật trong đêm tối, dưới sự sắp đặt của Thomas Polgar – Trưởng Chi nhánh CIA ở Sài Gòn[19]
Trong một nỗ lực cuối cùng để mở được cuộc nói chuyện với Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, cho dù kết quả là rất mong manh, ngày 28 tháng 4, hai viện của Quốc hội Việt Nam Cộng hòa đã "mời" Tổng thống Trần Văn Hương từ nhiệm sau một tuần nắm giữ chức vụ và đưa tướng Dương Văn Minh, một người chịu ảnh hưởng của Pháp và là tác giả chủ chốt của cuộc đảo chính lật đổ anh em Diệm – Nhu ngày 3 tháng 11 năm 1963, lên ghế tổng thống. Họ cho rằng với sự giúp đỡ và vận động của Đại sứ Pháp tại Sài Gòn Jean Marie Merillon và người phó của ông ta là Vanussème, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam sẽ chấp nhận thương lượng. Tướng Minh cho biết "người Pháp cho rằng có một cường quốc nào đó không muốn cho một Việt Nam thống nhất trở thành hùng cường nên họ có thể ngăn chặn thắng lợi của Hà Nội". Ông ta cũng tin rằng "Hà Nội chưa chắc đã có một bộ máy hành chính để quản lý toàn quốc nên họ có thể sẵn sàng chấp nhận một chế độ quá độ". Tuy nhiên, đến chiều tối ngày 28 tháng 4 thì tất cả hy vọng vào những lá bài ngoại giao cuối cùng đều tan vỡ khi những loạt đạn 130 mm của Trung đoàn Pháo binh 45 (Đoàn Tất Thắng - Quân Giải phóng) đặt tại trận địa Nhơn Trạch nã cấp tập vào Sân bay Tân Sơn Nhất ngay sau trận ném bom của phi đội A-37 do Nguyễn Thành Trung dẫn đường. Ba "sứ giả" do Tổng thống Dương Văn Minh phái đi đàm phán với đối phương về một giải pháp ngừng bắn đã phải ngủ đêm tại trụ sở của hai phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Ban Liên hiệp Quân sự bốn bên tại Trại Davis cạnh sân bay Tân Sơn Nhất.[20]
Cùng lúc đó, tại Hội nghị La Celle Saint Cloud, phái đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố nội các Trần Văn Hương bản chất là nội các Nguyễn Văn Thiệu nhưng không có Nguyễn Văn Thiệu nên họ tiếp tục từ chối đàm phán với Việt Nam Cộng hòa. Họ chỉ đàm phán khi toàn bộ nội các của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu phải ra đi. Trước đó, trong tuyên bố từ chức của mình, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vẫn cương quyết không đàm phán với Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Để tiếp tục nối lại đàm phán, Dương Văn Minh cử con trai tới lâu đài La Celle Saint Cloud để thông báo phái đoàn Cộng hòa miền Nam Việt Nam rằng nếu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam chấp nhận chính quyền Dương Văn Minh thì Việt Nam Cộng hòa sẽ ngừng bắn ngay để tiến hành đàm phán nhưng chính quyền Trần Văn Hương lại cử tướng Nguyễn Khánh sang Hoa Kỳ cầu viện. Do đó, phái đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tiếp tục từ chối đàm phán. Tới 28/4/1975, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố sẵn sàng đàm phán nhưng lúc này Sài Gòn đã hoàn toàn bị bao vây, phía Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố dành cho Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa một ngày để di tản. Ngày 30 tháng 04 năm 1975, Việt Nam Cộng hòa chính thức đầu hàng vô điều kiện Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.[21]
Binh lực và phương án tác chiến của hai bên
[sửa | sửa mã nguồn]Quân Giải phóng
[sửa | sửa mã nguồn]Chuẩn bị chiến dịch
[sửa | sửa mã nguồn]Từ ngày 5 đến ngày 26 tháng 4 năm 1975, để vận chuyển các đơn vị chiến lược vào Đông Nam Bộ, hơn 7.064 xe ô tô (có 3.364 xe của Tổng cục hậu cần và Bộ Tư lệnh Trường Sơn), 32 tàu biển của hải quân, 311 toa tàu hỏa... được huy động vận chuyển lực lượng và binh khí kỹ thuật vào Nam Bộ. Việc điều chỉnh lực lượng, thế bố trí và bổ sung vật chất cho tác chiến được gấp rút hoàn thiện: Điều thêm ra phía trước 10.000 người, 15 bệnh viện dã chiến, 17 đội điều trị có khả năng thu dung 10.000 thương binh; thành lập 8 tiểu đoàn cơ động phục vụ bốc xếp và làm đường. Để kịp bổ sung 20.000 tấn vật chất còn thiếu (chủ yếu là đạn pháo lớn và xăng dầu), Tổng cục hậu cần đã chỉ đạo thu gom từ miền Trung, Tây Nguyên, tuyến Trường Sơn được 5.100 tấn đạn, 600 tấn xăng dầu và chỉ đạo hậu cần các đơn vị mang theo hành quân 5.000 tấn đạn, 1.500 tấn xăng dầu. Nhờ đó, chiến dịch Hồ Chí Minh đã có dự trữ 55.000 tấn vật chất các loại, đạt 90% nhu cầu tác chiến[22]
Ngày 24 tháng 4 năm 1975, các đơn vị tác chiến đã vào vị trí tập kết, sẵn sàng chiến đấu.
Quần chúng nhân dân
[sửa | sửa mã nguồn]Song song với tổng tấn công của bộ đội chủ lực, Chiến dịch còn được thực hiện với quá trình nổi dậy của quần chúng nhân dân. Quá trình nổi dậy của quần chúng nhân dân đã diễn ra sôi nổi và được chuẩn bị từ sớm. Ngay từ cuối năm 1974, Trung ương Cục miền Nam và Quân Giải phóng đã có các biện pháp chính trị để chuẩn bị cho quần chúng tiến hành nổi dậy, đặc biệt đã có trên 40.000 người tham gia quá trình nổi dậy với 7.000 người công khai. Các biện pháp đấu tranh bao gồm: ra đường phố làm công tác địch vận, phổ biến lôi kéo, tranh thủ hù dọa đối với lực lượng bảo an tại chỗ của Việt Nam Cộng hòa, thúc đẩy binh sĩ vứt bỏ vũ khí, cởi bỏ trang phục, rút khỏi trụ sở, đồn bốt, về nhà hoặc tháo chạy, ẩn náu... Sau khi Quân Giải phóng tiến vào tiếp quản các đô thị, quần chúng tiến hành dẫn đường hoặc chở bộ đội, bảo vệ nhà máy xí nghiệp, kho bãi, nhà ga, bến cảng, thu các giấy tờ, hồ sơ, hạ cờ Việt Nam Cộng hòa, kéo cờ Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam , cử đại diện chính quyền cách mạng...
Hướng Bắc
[sửa | sửa mã nguồn]Quân đoàn 1 (Binh đoàn Quyết thắng) Quân đội nhân dân Việt Nam gồm các Sư đoàn bộ binh 312 - Sư đoàn trưởng Nguyễn Chuông (Sư đoàn Chiến Thắng), 320B - Sư đoàn trưởng Lưu Bá Xảo (F390); Trung đoàn Pháo binh 45 (Đoàn Tất Thắng); Lữ đoàn Tăng Thiết giáp 202; Sư đoàn Phòng không 367; Lữ đoàn Công binh 299; được tăng cường Lữ đoàn Pháo binh 38 (Đoàn Bông Lau), Trung đoàn Tên lửa Phòng không 236 (Đoàn Sông Đà), ba Trung đoàn Công binh 239, 259, 279; một Trung đoàn Phòng không hỗn hợp, ba Tiểu đoàn Pháo binh độc lập rút từ Bộ Tư lệnh Pháo binh. Tổng quân số 31.227 người; 778 xe vận tải, 44 xe tăng; 36 khẩu pháo 130 mm, 105 mm và 75 mm; 120 khẩu pháo cao xạ 57 mm và 37 mm; 9 xuồng máy, 2 ca nô, 12 xe công binh chuyên dụng.[23][24]
Riêng Sư đoàn 308 không tham gia chiến dịch này mà ở lại miền Bắc làm nhiệm vụ cảnh giới thủ đô.
- Tư lệnh: Thiếu tướng Nguyễn Hòa.
- Chính ủy: Thiếu tướng Hoàng Minh Thi.[25]
Nhiệm vụ của Quân đoàn 1 là bao vây tiêu diệt đối phương ở Phú Lợi, Bến Cát, Bình Dương, Lai Khê, Tân Uyên; ngăn chặn Sư đoàn 5 Việt Nam Cộng hòa rút về nội đô và vô hiệu hóa đơn vị này; tấn công đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu Việt Nam Cộng hòa, các bộ tư lệnh binh chủng ở Gò Vấp, Bình Thạnh; tổ chức một lực lượng tấn công hợp điểm với các quân đoàn khác tại Dinh Độc Lập.[26][27] Do phải hành quân gấp từ miền Bắc vào bằng mọi phương tiện thủy, bộ và đường không nên Quân đoàn 1 bắt đầu tấn công chậm một ngày so với các đơn vị khác.[28]
Hướng Đông Nam
[sửa | sửa mã nguồn]Quân đoàn 2 (Binh đoàn Hương Giang) Quân đội nhân dân Việt Nam ban đầu gồm các Sư đoàn bộ binh 325 (Sư đoàn Bình Trị Thiên) – Sư đoàn trưởng Phạm Minh Tâm, Sư đoàn 304 (Sư đoàn Vinh Quang) – Sư đoàn trưởng Nguyễn Ân; Lữ đoàn Pháo binh 164; Lữ đoàn Tăng Thiết giáp 203; Sư đoàn Phòng không 673; Lữ đoàn Công binh 219; Trung đoàn Đặc công 116. Tổng số xe chở hàng, chở người của Quân đoàn 2 lên tới 2.267 chiếc, trong đó có 54 xe tăng, 35 xe thiết giáp, 223 xe kéo pháo, 87 khẩu pháo 130 mm và 105 mm, 136 pháo cao xạ. Trước đó,[29][30] Sư đoàn 324 (Sư đoàn Ngự Bình) ở lại bảo vệ Huế – Đà Nẵng nên quân số còn lại là 32.418 người.
- Tư lệnh: Thiếu tướng Nguyễn Hữu An.
- Chính ủy: Thiếu tướng Lê Linh,
Quân đoàn 2 được giao nhiệm vụ tiến công trên chính diện rộng 86 km với chiều sâu nhiệm vụ từ 68 đến 70 km.[31] Nhiệm vụ ban đầu của quân đoàn là đánh chiếm căn cứ Nước Trong, chi khu Long Bình, Tổng kho Long Bình, chi khu Nhơn Trạch, thành Tuy Hạ, cảng và bến phà Cát Lái, chi khu Đức Trạch, pháo kích sân bay Tân Sơn Nhất, quận 9 và quận 4 Sài Gòn. Tổ chức lực lượng thọc sâu đánh chiếm quận 1 và quận 3, hợp điểm tại Dinh Độc Lập.[32]
Sư đoàn 3 (Sư đoàn Sao Vàng - Sư đoàn trưởng Trần Bá Khuê) từ Quân khu 5 và một số đơn vị rút từ Quân khu 4, được phối thuộc vào quân đoàn 2 tiến công theo bờ biển, riêng sư đoàn 3 đánh chiếm Vũng Tàu, thị xã Bà Rịa. Nếu tính cả đơn vị phối thuộc, tổng quân số của Quân đoàn lên đến hơn 4 vạn nhân lực.
Hướng Tây Bắc
[sửa | sửa mã nguồn]Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) Quân đội nhân dân Việt Nam gồm các Sư đoàn bộ binh 316 - đồng Sư đoàn trưởng Đàm Văn Ngụy - Nguyễn Hải Bằng (Sư đoàn Bông Lau), 320A - Sư đoàn trưởng Bùi Đình Hòe (Sư đoàn Đồng Bằng), 10 - Sư đoàn trưởng Đoàn Hồng Sơn (Sư đoàn Đắc Tô); Trung đoàn Đặc công 198 (đoàn đặc công hậu cứ); hai Trung đoàn Pháo mặt đất 40 và 575 (đoàn Anh Dũng); Trung đoàn Xe tăng 273 (đoàn Sơn Lâm); các Trung đoàn Phòng không hỗn hợp 234 (đoàn Tam Đảo), 593 (mới bổ sung) và 232 (chuyển thuộc từ Đoàn 559); hai Trung đoàn Công binh 7 (đoàn Hùng Vương), 575 (chuyển thuộc từ Đoàn 559); Trung đoàn Thông tin 29; các Trung đoàn Gia Định 1 và 2. Tổng quân số 47.400 người, 54 xe tăng, 64 xe bọc thép, gần 100 khẩu pháo 130 mm, 105 mm và hỏa tiễn H12, trên 250 khẩu cối từ 61 mm đến 120 mm, 110 pháo phòng không 57 mm và 37 mm, hơn 250 khẩu súng máy phòng không các cỡ 12,4 mm và 14,5 mm.[26][33]
- Tư lệnh: Thiếu tướng Vũ Lăng.
- Chính ủy: Đại tá Đặng Vũ Hiệp.
Khác với Quân đoàn 2, Quân đoàn 3 phải tấn công trên một chính diện hẹp từ 7 đến 10 km nhưng có chiều sâu nhiệm vụ lên đến 100 km.[34] Nhiệm vụ của quân đoàn trong giai đoạn 1 là sử dụng Sư đoàn 316 cùng binh chủng phối thuộc chặn đánh Sư đoàn 25 Việt Nam Cộng hòa tại Gò Dầu, Trảng Bàng, cắt đường 1B, bao vây, chia cắt không cho Quân lực Việt Nam Cộng hòa điều các đơn vị ở Tây Bắc Sài Gòn lui về Đồng Dù, Củ Chi. Trong giai đoạn 2, Quân đoàn có nhiệm vụ đánh chiếm căn cứ Đồng Dù, sân bay Tân Sơn Nhất, các quận Tân Bình, Phú Nhuận đưa một bộ phận lực lượng thọc sâu, hợp điểm với các đơn vị khác tại Dinh Độc Lập.[32]
Hướng Đông Bắc
[sửa | sửa mã nguồn]Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long) Quân đội nhân dân Việt Nam đã sứt mẻ gồm các Sư đoàn 6, 7 (Sư đoàn Bến Tre), 341 (Sư đoàn Sông Lam) của Quân khu 4 và Lữ đoàn Bộ binh 52; một Tiểu đoàn Pháo 130 mm; một Trung đoàn và một Tiểu đoàn Phòng không hỗn hợp, ba Tiểu đoàn Xe tăng - Thiết giáp. Sau trận Xuân Lộc, quân số của quân đoàn còn khoảng 30.000 người.
- Tư lệnh: Thiếu tướng Hoàng Cầm.
- Chính ủy: Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện,
Nhiệm vụ của quân đoàn là đánh chiếm khu vực Biên Hòa - Hố Nai (gồm cả Sở Chỉ huy Không lực Việt Nam Cộng hòa và Sân bay Biên Hòa), tiến về Sài Gòn chiếm các quận 1, 2, 3, Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Đài phát thanh Sài Gòn.[32][35] Cũng như Quân đoàn 1, đến 17 giờ chiều 27 tháng 4, Quân đoàn 4 mới chuẩn bị xong bàn đạp tiến công và bắt đầu nổ súng chậm hơn một ngày.[36]
Hướng Tây Nam
[sửa | sửa mã nguồn]Đoàn 232 Quân đội nhân dân Việt Nam gồm các Sư đoàn 5, 9 chủ lực Miền, Sư đoàn Phước Long (tên ban đầu là đoàn C30B); sáu Trung đoàn độc lập 16, 88, 24, Trung đoàn 271, 172 và 27B; Tiểu đoàn 26 Xe tăng (17 xe T-54), một Trung đoàn Đặc công, Tiểu đoàn Xe tăng 24 (18 xe PT-85), Tiểu đoàn 23 Xe bọc thép (22 xe BTR-60 và 8 xe M-113); 5 Đại đội Pháo binh gồm 27 khẩu từ 85 mm đến 130 mm, bốn khẩu cối 160 mm và một giàn hỏa tiễn H12; Trung đoàn Phòng không hỗn hợp 595, một Tiểu đoàn Pháo phòng không 23 mm và một Tiểu đoàn Súng máy phòng không 12,7 mm.[37][38] Sau khi được tăng cường Sư đoàn 8 (Quân khu 8), tổng quân số của Đoàn 232 lên đến khoảng 42.000 người.[32][39]
- Đoàn 232 do Thiếu tướng Nguyễn Minh Châu làm tư lệnh, Đại tá Trần Văn Phác làm chính ủy.[40]
- Tư lệnh cánh quân phía tây nam: Trung tướng Lê Đức Anh.
- Chính ủy: Thiếu tướng Lê Văn Tưởng.
Nhiệm vụ của đoàn là cắt đường số 4 (Bến Lức - ngã ba Trung Lương), chiếm Tân An, Mỹ Tho, chia cắt Sài Gòn và miền Tây Nam Bộ, thọc sâu đánh chiếm Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô, cầu Nhị Thiên Đường, Tổng Nha Cảnh sát, các quận 5, 6, 7, 8, 10, 11.[41] Ngoài ra, đoàn 232 còn có nhiệm vụ đánh chiếm các tỉnh lỵ Long An, Kiến Tường; chốt chặn đường số 4 không cho Quân lực Việt Nam Cộng hòa ở Sài Gòn rút về đồng bằng sông Cửu Long.[37][38][42]
Mặc dù Sài Gòn - Gia Định là một thành phố lớn, rộng trên dưới 1000 km², vào thời điểm tháng 4 năm 1975 có hơn 3,5 triệu dân nhưng Bộ Tư lệnh chiến dịch đã chọn 5 mục tiêu quan trọng nhất cần đánh chiếm trong thời gian ngắn nhất: Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa, Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô, Tổng Nha Cảnh sát, Sân bay Tân Sơn Nhất và Dinh Độc Lập.[43]
Quân lực Việt Nam Cộng hòa
[sửa | sửa mã nguồn]Đến thời điểm mở chiến dịch, Quân lực Việt Nam Cộng hòa chỉ còn trong tay hai quân đoàn (III và IV), trong đó Quân đoàn III đã bị tổn thất đáng kể trong Chiến dịch Phan Rang - Xuân Lộc và các trận đánh ở vùng ven đô.
Quân đoàn III và Biệt khu Thủ đô
[sửa | sửa mã nguồn]Tổng quân số 245.000 quân nhân (bao gồm cả tàn binh từ Quân đoàn I và Quân đoàn II nhập vào), 406 khẩu pháo, 624 xe tăng và xe thiết giáp, hơn 800 máy bay, 852 tàu các loại và xuồng chiến đấu.[5]
- Tư lệnh Quân đoàn III: Trung tướng Nguyễn Văn Toàn.
- Tư lệnh Biệt khu Thủ đô: Thiếu tướng Lâm Văn Phát.
Các tuyến phòng thủ gồm có:
Tuyến ngoài:[44]
- Sư đoàn 22 bộ binh (mới tái lập) ở Long An, Bến Lức, ngã ba Trung Lương, sở chỉ huy đặt tại Long An.
- Sư đoàn 25 bộ binh giữ Đồng Dù, Trảng Bàng, Củ Chi, Hậu Nghĩa, sở chỉ huy đặt tại căn cứ Đồng Dù.
- Sư đoàn 5 bộ binh giữ Lai Khê, Bến Cát, Bình Dương, sở chỉ huy đặt tại Lai Khê;
- Sư đoàn Thủy quân lục chiến (chỉ còn 2 lữ đoàn) giữ Long Bình.
- Sư đoàn 18 (chỉ còn 2 chiến đoàn) giữ Bàu Cá, Trảng Bom, Suối Đĩa.
- Sư đoàn 5 Không quân đóng tại Tân Sơn Nhất.
- Lữ đoàn 3 Thiết giáp giữ Biên Hòa.
- Lữ đoàn 1 Dù giữ Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tuyến trong:[45]
- Ba Liên đoàn Biệt động quân được triển khai tại Bình Chánh, Hóc Môn, Bình Triệu.
- Bốn Khu chiến được thành lập sau ngày 14 tháng 4 gồm:
- - Liên đoàn 9 Biệt động quân, 2 Liên đoàn Công binh và số quân đang huấn luyện tại trại Quang Trung giữ Khu chiến Bắc từ Hóc Môn qua Cầu Bông đến sân bay Tân Sơn Nhất.
- - Các Liên đoàn Biệt động quân 7, 8 giữ Khu chiến Tây từ Vĩnh Lộc qua Tân Hiệp, Bà Hom đến Bình Chánh.
- - Liên đoàn Bảo an 239 và một Liên đoàn Phòng vệ Dân sự được vũ trang giữ Khu chiến Nam từ Nhà Bè đến Nhơn Trạch.
- - Lữ đoàn Dù 4, Liên đoàn Bảo an 391 và học viên Quân trường Thủ Đức giữ Khu chiến Đông từ Gò Vấp, Quận 9 đến Thủ Đức.
- Năm liên khu phòng thủ nội đô gồm: Liên khu 1 (các quận 1, 3), Liên khu 2 (các quận 5, 6), Liên khu 3 (các quận 2, 4), Liên khu 4 (các quận 7, 8), Liên khu 5 (các quận 10 và 11). Các ổ đề kháng cũng được tổ chức tại Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô, Bộ Tổng Tham mưu (do Liên đoàn Biệt kích Dù 81 phòng thủ), Tổng nha Cảnh sát, Căn cứ Không quân Tân Sơn Nhất. Bản thân Dinh Độc Lập cũng được bố trí làm một trung tâm đề kháng với một Lữ đoàn Cảnh vệ Quốc gia có xe tăng và xe bọc thép tăng cường.[45]
Quân đoàn IV
[sửa | sửa mã nguồn]Vùng đồng bằng sông Cửu Long do Quân khu IV - Quân đoàn IV Việt Nam Cộng hòa quản lý vẫn còn nguyên vẹn, có 175.000 quân được biên chế thành 3 sư đoàn bộ binh 7, 9, 21, một Lữ đoàn Bộ binh độc lập, Sư đoàn 4 Không quân, ba Trung đoàn Thiết kỵ, hai Hải đoàn Tuần duyên, ba giang đoàn; được trang bị 493 xe tăng, xe thiết giáp, 366 khẩu pháo, 409 máy bay (trong đó có 118 máy bay chiến đấu), 579 tàu, xuồng chiến đấu các loại. Các lực lượng này được bố trí trong các cụm đề kháng quanh các thành phố lớn, thị xã, các trục đường giao thông lớn trong đó có hai trọng điểm là Thành phố Cần Thơ và đường số 4.[46]
- Tư lệnh: Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam.
Các diễn biến tại khu vực Sài Gòn - Gia Định
[sửa | sửa mã nguồn]Đợt 1
[sửa | sửa mã nguồn]7 giờ sáng ngày 26 tháng 4, một số đơn vị thám báo của Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại cụm căn cứ Nước Trong – Long Thành đã có vài cuộc chạm súng nhỏ với các đơn vị trinh sát của Sư đoàn 304. Quân đoàn III (Việt Nam Cộng hòa) tăng phái cho cụm quân ở Nước Trong – Long Thành Lữ đoàn Thủy quân Lục chiến 468. Từ 7 giờ 30 phút đến 16 giờ 30 phút, tướng Nguyễn Văn Toàn lệnh cho Sư đoàn 5 Không quân đánh phá tuyến chuẩn bị của Quân đoàn 2 nhưng bị bắn rơi bốn chiếc A-37, một chiếc UH-1A, lại không gây được thiệt hại đáng kể cho đối phương.[47]
17 giờ ngày 26 tháng 4, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu với tiếng gầm thét của cuộc pháo kích cấp tập từ hơn 20 tiểu đoàn pháo binh thuộc các Quân đoàn 2, 3 và 4 Quân Giải phóng nã vào các căn cứ của Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại Nhơn Trạch, Hố Nai, Biên Hòa, Nước Trong, Long Thành, Đức Thạnh, Bà Rịa, Đồng Dù, Trảng Bàng, Gò Dầu. Trận pháo kích kéo dài gần 1 giờ liền đã làm rung chuyển nội đô Sài Gòn. Pháo binh Quân lực Việt Nam Cộng hòa phản ứng yếu ớt và nhanh chóng bị hỏa lực của Quân Giải phóng dập tắt.[48]
Trên hướng Đông, Quân đoàn 2 sử dụng Sư đoàn 304 mở màn cuộc tấn công vào cụm Long Thành – Nước Trong, đánh bật được Lữ đoàn Thủy quân Lục chiến 468 ra rừng cao su, bắn cháy gần 20 xe tăng, xe bọc thép và chỉ bị tổn thất một xe tăng.[49] Đến đêm 26 tháng 4, Sư đoàn 304 chỉ chiếm được trường thiết giáp, chưa giải quyết được khu vực trường bộ binh và ngã ba đường 15 với các chốt công sự kiên cố vẫn ở trong tay Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Tại mũi thứ yếu, Sư đoàn 3 Sao Vàng đã chiếm được các khu vực Bình Giã, Ngãi Giao và Núi Đất sau 2 giờ giao chiến. 17 giờ chiều 27 tháng 4, Trung đoàn 141 của sư đoàn này và Đại đội Xe tăng 4 có pháo binh yểm hộ đã đánh chiếm thị xã Bà Rịa và huyện Xuyên Mộc. Quân lực Việt Nam Cộng hòa chốt giữ tại cầu Cỏ May đã phá cầu nhưng không chặn được mũi vu hồi sâu của Sư đoàn 3 Sao Vàng và phải rút chạy. 16 giờ ngày 29 tháng 4, Sư đoàn 3 chiếm thị xã Vũng Tàu.[50] Các phân đội Z23, Z22 Lữ đoàn 316 và Tiểu đoàn 81 (Trung đoàn Đặc công Cơ giới) chiếm 2 đầu cầu Rạch Chiếc nhưng bị Quân lực Việt Nam Cộng hòa phản kích nên có 30 người hi sinh.[51] Các lực lượng địa phương giải phóng các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc và các mảng nông thôn 2 bên quốc lộ 15, 25, 19, 1 và 2.
Sáng ngày 27 tháng 4, Sư đoàn 325 từ mũi thứ yếu chuyển thành mũi chủ yếu đánh vu hồi vào sườn trái cụm quân Việt Nam Cộng hòa tại Nước Trong – Long Thành, phối hợp với Sư đoàn 304 tấn công từ hướng đối diện. Sư đoàn 5 Không quân Việt Nam Cộng hòa điều động hơn 114 phi vụ oanh kích vào đội hình Quân Giải phóng nhưng không cản được đường tiến của Lữ đoàn Xe tăng 203 Quân Giải phóng và bị bắn rơi 2 chiếc F-5, 4 chiếc A-37, 3 chiếc A-1 và 1 chiếc HU-1A.[49] 16 giờ 30 phút chiều 27 tháng 4, Sư đoàn 325 đánh chiếm Long Thành, bắt hơn 500 tù binh. Sang ngày 28 tháng 4, căn cứ Nhơn Trạch bị Sư đoàn 304 đánh chiếm. Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 cho triển khai ngay Lữ đoàn Pháo binh 164 tại đây để pháo kích sân bay Tân Sơn Nhất. Tuyến phòng thủ hướng Đông Nam Sài Gòn của Quân đoàn III - Quân lực Việt Nam Cộng hòa bị vỡ một mảng lớn.[50]
Để yểm trợ cho mặt trận, Đoàn Pháo binh 75 đặt trận địa tại Hiếu Liêm từ ngày 14 tháng 4 liên tục khống chế tê liệt sân bay Biên Hòa.
Trên hướng Đông Bắc, 4 giờ 7 phút sáng 27 tháng 4, Quân đoàn 4 gồm Sư đoàn 341 và Sư đoàn 6 tấn công Trảng Bom, Suối Đỉa và Long Đạt, tướng Lê Minh Đảo điều Chiến đoàn 52 có 8 xe tăng yểm hộ đánh vào sườn đội hình tấn công của Sư đoàn 7 nhưng lại bị Sư đoàn 341 tấn công từ bên sườn, 4 xe tăng bị bắn cháy. 8 giờ 30 phút sáng ngày 27 tháng 4, yếu khu quân sự Trảng Bom bị Quân Giải phóng đánh chiếm, gần 500 sĩ quan, binh sĩ Quân lực Việt Nam Cộng hòa bị bắt làm tù binh. 9 giờ sáng ngày 27 tháng 4, số quân còn lại của Sư đoàn 18 và một chi đoàn của Lữ đoàn 3 Thiết giáp Quân lực Việt Nam Cộng hòa rút từ Trảng Bom về Suối Đĩa đã bị phục kích hai bên đường, khoảng 2000 quân và gần 100 xe các loại bị Sư đoàn 341 Quân đội nhân dân Việt Nam bắt giữ.[52] Trên hướng thọc sâu, Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4) phát triển đến Hố Nai thì phải dừng lại để phối hợp với sư đoàn 341 và sư đoàn 6 thực hiện đòn tấn công tổng hợp vào các lực lượng của Lữ đoàn 3 Thiết giáp và Lữ đoàn Dù 4 Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Đến quá nửa đêm ngày 28 tháng 4, do bị thệt hại nặng, Lữ đoàn 3 Xe tăng và Lữ đoàn 4 Dù phải lùi về Gò Vấp.[53] Trung đoàn Đặc công 113 của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam chiếm cầu Ghềnh, cầu Rạch Cát nhưng không giữ được, chưa chiếm được cầu Mới.
Trên hướng Tây Bắc, từ chiều ngày 26 tháng 4, Sư đoàn 316 (Quân đoàn 3 Quân Giải phóng) và lực lượng vũ trang Tây Ninh đã liên tiếp đánh chiếm một loạt đồn bốt của Quân lực Việt Nam Cộng hòa dọc theo Quốc lộ số 1 và Đường 22, chia cắt Sư đoàn 25 Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại Gò Dầu - Trảng Bàng với Sài Gòn và chặn nốt cả đường rút của sư đoàn này về Đồng Dù, Củ Chi. Ngày 27 tháng 4, Sư đoàn 316 tiếp tục đẩy lùi cuộc phản kích của viện quân Việt Nam Cộng hòa. Trong các trận đấu pháo từ ngày 25 đến ngày 28 tháng 4 trên hướng này, 39 khẩu pháo các cỡ của Quân đoàn 3 Quân Giải phóng đã phá hủy 33 khẩu pháo các cỡ 155 mm và 105 mm của Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại Đồng Dù, Phước Mỹ, Đồng Chùa, Trảng Bàng, Gò Dầu Hạ, Bến Kéo, Khiêm Hạnh, phá hủy 11 trận địa pháo, gây thiệt hại nặng cho 7 trận địa pháo khác của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Trong đội hình Quân đoàn 3, Sư đoàn 10, Trung đoàn Xe tăng 273 và lực lượng Công binh của Quân đoàn đã chuẩn bị xong các phương tiện vượt sông Sài Gòn. Sư đoàn 320A đã tiềm nhập vào khu vực Củ Chi, áp sát căn cứ Đồng Dù.[54]
Trên hướng Nam và Tây Nam, 22 giờ ngày 26 tháng 4, Sư đoàn bộ binh 5 mở đầu chiến dịch trên hướng này bằng đòn đánh chia cắt Đường số 4 tại bốn điểm Rạch Chanh, ngã ba Nhị Thành, ấp Bình Yên, Phú Mỹ và áp sát thị xã Tân An, chi khu Thủ Thừa. Đến ngày 27 tháng 4, Sư đoàn 5 đã cắt hẳn Đường số 4 tại hai đoạn từ Bắc Tân An đến Bến Lức và từ Nam Tân An đến Tân Hiệp.[55] Sư đoàn 303 - Phước Long đánh chiếm tiểu khu Hậu Nghĩa và các chi khu Đức Hòa, Đức Huệ. Trung đoàn 27 Đặc công tập kích các chốt Bà Hom, Vĩnh Lộc, căn cứ ra đa Phú Lâm, mở hành lang cho Sư đoàn 9 đột kích trên mũi tiến công chủ yếu.[56] Sư đoàn 8 (Quân khu 8) tấn công các vị trí của Sư đoàn 22 Quân lực Việt Nam Cộng hòa dọc hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, đưa một lực lượng thọc sâu tấn công thành phố Mỹ Tho, cắt đứt hoàn toàn Đường số 4, cô lập Sài Gòn với đồng bằng sông Cửu Long.[57] Mặc dù Tỉnh trưởng Long An gọi điện cho tướng Nguyễn Khoa Nam yêu cầu cho dùng thuốc nổ phá hủy hai cầu Tân An và Bến Lức nhưng tướng Nam không đồng ý do các cầu này được dùng cho phương án dự phòng để rút Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa từ Sài Gòn về Cần Thơ. Trên đường biển, Đô đốc Chung Tấn Cang cũng dành riêng một chiến hạm để di tản chính phủ Việt Nam Cộng hòa về Cần Thơ. Cả tướng Lê Văn Hưng và tướng Lê Minh Đảo, những "người hùng Xuân Lộc" một thời cũng đặt hy vọng vào việc biến Quân khu IV thành căn cứ để kéo dài cuộc chiến thêm một thời gian. Thế nhưng sự xuất hiện đột ngột của một đơn vị mới tương đương quân đoàn (Đoàn 232) của Quân Giải phóng tại đồng bằng sông Cửu Long đã đặt những hy vọng và kế hoạch nói trên trước nguy cơ phá sản.[58]
Đợt 2
[sửa | sửa mã nguồn]Tại hướng Bắc
[sửa | sửa mã nguồn]Do tiếp cận chiến trường muộn hơn các đơn vị khác, phải đến 16 giờ chiều ngày 27 tháng 4, Quân đoàn 1 - Quân Giải phóng mới đưa được những đơn vị chủ lực của mình bước vào chiến đấu. Trên mũi tấn công chủ yếu, Sư đoàn 320B - được tăng cường Tiểu đoàn Xe tăng 66 của Lữ đoàn 202, một Đại đội Xe tăng độc lập, một Tiểu đoàn Công binh công trình, một Tiểu đoàn Pháo 130 mm, có cụm pháo của Lữ đoàn Pháo binh 45 (đoàn Tất Thắng) yểm hộ - đã tấn công Chi khu Tân Uyên và sân bay Ông Lĩnh, đánh thông đoạn phía đông Đường 16, mở đường đột phá sâu vào trung tâm Sài Gòn, tiến đến Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa, một trong năm mục tiêu quan trọng nhất của chiến dịch.[59] Một số trận đánh ác liệt nổ ra tại Chi khu quân sự Tân Uyên, ngã ba Bình Chuẩn, Thuần Giáo, Búng, Tân Hiệp. Tiểu đoàn Bảo an 316 Quân lực Việt Nam Cộng hòa và một Trung đội Cảnh sát Dã chiến tại Tân Uyên đã dựa vào công sự vững chắc, cầm cự được suốt đêm 27 tháng 4. Trên đường tiến, Sư đoàn 320B chỉ để lại một số lực lượng đủ để cô lập các chốt chặn dọc đường của các Tiểu đoàn Bảo an 317, 321, 346; còn các lực lượng chủ yếu đều nhanh chóng vượt sông Sài Gòn, tiến vào nội đô. Đến sáng 28 tháng 4, viên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 316 và 35 binh sĩ Quân lực Việt Nam Cộng hòa còn sống sót đã đầu hàng. Đường tấn công của Quân đoàn 1 - QĐNDVN (Đường 16) từ Tân Uyên qua Búng đến Lái Thiêu đã được mở thông.[60][61]
Tại mũi thứ yếu, phát hiện Sư đoàn 312 đang bao vây căn cứ Phú Lợi, tiến công Lai Khê; tướng Lê Nguyên Vỹ, Tư lệnh Sư đoàn 5 Quân lực Việt Nam Cộng hòa sử dụng Chiến đoàn 7, có xe tăng yểm hộ, cố giải tỏa Đường 13 và 14, đồng thời tăng cường cho cứ điểm An Lợi. Nhưng khi đoàn xe di chuyển đến khu vực Tam Giáo thì rơi đúng vào mũi tấn công của chủ lực sư đoàn 312, có Lữ đoàn Xe tăng 202 (thiếu) yểm hộ. Sau khi bị bắn cháy ba chiếc xe đi đầu, Chiến đoàn 7 Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã bị tách khỏi chủ lực Sư đoàn 5 ở Lai Khê và toàn bộ Sư đoàn 5 cũng bị cô lập ở phía Bắc Thủ Dầu Một. Trên đường vào nội đô, Quân đoàn 1 còn phải khắc phục các bãi mìn, vật cản chống xe tăng, xe cơ giới, có chỗ rộng đến 100 m, dài hơn 200 m. Đến 15 giờ ngày 29 tháng 4, sau khi gỡ hết các mìn chống tăng, mở đường vòng tránh và sử dụng tù binh dẫn đường, Quân đoàn 1 đã tập kết trước cứ điểm Lái Thiêu và chỉ còn cách trung tâm Sài Gòn - Gia Định khoảng 15 km.[62]
3 giờ sáng 30 tháng 4, Sư đoàn 320B tấn công đánh chiếm Lái Thiêu và Trung tâm huấn luyện quân sự Huỳnh Văn Lương, bức hàng hơn 2000 sĩ quan, binh lính Quân lực Việt Nam Cộng hòa, trong đó có viên Chỉ huy trưởng trung tâm, Trung tá Nguyễn Văn Hinh và Trung tá Nguyễn Thái Bình, Chỉ huy trưởng Chi khu Lái Thiêu.[63] Trước nguy cơ bị tiêu diệt và tan rã, ngày 29 tháng 4, Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ, Tư lệnh thứ 19 của Sư đoàn 5 - Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã tự sát trong căn cứ. Đại tá Nguyễn Mạnh Tường, phó Tư lệnh Sư đoàn 5, Tiểu khu trưởng Bình Dương, các viên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 7, 8, 9 đã kéo cờ trắng (POW) xin hàng. 10 giờ sáng 30 tháng 4, Sư đoàn 312 đã đánh chiếm xong các căn cứ Lai Khê, Bến Cát, Lái Thiêu. Cụm phòng thủ phía Bắc Sài Gòn của Quân lực Việt Nam Cộng hòa tan vỡ.[64]
Từ 9 giờ ngày 30 tháng 4, Quân đoàn 1 lần lượt đánh chiếm Bộ Tư lệnh Thiết giáp, Bộ Tư lệnh Lục quân công xưởng, Tổng kho Quân nhu, Tổng y viện Quân lực Việt Nam Cộng hòa, căn cứ 31, căn cứ 60, quận lỵ Gò Vấp, Trung tâm Truyền tin Điện tử; đánh tan cụm phòng thủ Bắc cầu Bình Triệu do các Thiết đoàn 15, 18, 22 của Lữ đoàn 3 Kỵ binh và 2 Tiểu đoàn Dù chốt giữ, thu 144 xe tăng, xe thiết giáp, bắt hơn 1500 tù binh. Lúc 10 giờ 30 phút, Sư đoàn 320B đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa, Sư đoàn 312 đánh chiếm trụ sở Bộ Quốc phòng Việt Nam Cộng hòa. Những mục tiêu quan trọng cuối cùng trong nội đô Sài Gòn được giao cho Quân đoàn 1 chiếm lĩnh đều được giải quyết trong ngày 30 tháng 4.[65] Tại các mục tiêu quan trọng bị đánh chiếm như Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa, Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa, Bộ Quốc phòng Việt Nam Cộng hòa, Tổng nha Cảnh sát: QGP thu được rất nhiều tài liệu cơ mật của các cơ quan này. Tất cả đều được giao cho Bộ Tổng Tham mưu Quân Giải phóng miền Nam và Công an Giải phóng miền Nam Việt Nam quản lý, khai thác.[66]
Tại hướng Tây Bắc
[sửa | sửa mã nguồn]Đêm 28 tháng 4, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 QGP đã điều động Sư đoàn 320A (thiếu) tiềm nhập vào khu vực Củ Chi bằng một cuộc hành quân bí mật ban đêm. Đơn vị này được tăng cường một Tiểu đoàn Pháo 155 mm, một Trung đoàn Phòng không. 5 giờ 30 phút sáng ngày 29 tháng 4, các đơn vị này bất ngờ nổ súng tấn công căn cứ Đồng Dù, sở chỉ huy của Sư đoàn 25 - Quân lực Việt Nam Cộng hòa do Chuẩn tướng Lý Tòng Bá làm Sư đoàn trưởng. Tại căn cứ này, tướng Bá nắm trong tay hơn 3000 quân, 34 xe tăng, xe bọc thép, 4 khẩu pháo M107 175 mm, 4 khẩu 155 mm, 10 khẩu 105 mm để thực hiện ý đồ tử thủ đến cùng. Sau cuộc pháo kích kéo dài 2 giờ đồng hồ, Sư đoàn 320A và các đơn vị phối thuộc tràn vào căn cứ Đồng Dù. Lúc 8 giờ, ba chiếc xe tăng T-54 được phối thuộc cho Sư đoàn 320A bị bắn cháy tại cửa mở nhưng cũng đổi được ba chiếc M-48 của Trung đoàn 10 Thiết giáp Quân lực Việt Nam Cộng hòa đóng tại căn cứ này. Lúc 9 giờ 30 phút, Đại tá Nguyễn Kim Tuấn và Ban Chỉ huy Sư đoàn 320A điều Trung đoàn 9 và 8 xe tăng còn lại của Tiểu đoàn Thiết giáp từ lực lượng dự bị tiếp tục tăng cường cho Trung đoàn 48 tấn công dứt điểm căn cứ Đồng Dù.[67] Đến 10 giờ 30 phút cùng ngày, các chốt kháng cự của Sư đoàn 25 - Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại Đồng Dù lần lượt bị dập tắt. Quân lực Việt Nam Cộng hòa điều Trung đoàn 46 từ Trảng Bàng phản kích nhưng đã bị Trung đoàn 9 chặn đứng. 11 giờ cùng ngày, Sư đoàn 320A hoàn thành việc đánh chiếm căn cứ Đồng Dù. Chuẩn tướng Tư lệnh Sư đoàn 25 Lý Tòng Bá và Đại tá Sư đoàn phó Trần Thăng Chức chạy trốn ra rừng cao su Bắc Hà nhưng đã bị du kích Củ Chi phục bắt.[68] Và ngày này trở thành ngày kỷ niệm giải phóng Củ Chi.
Căn cứ Đồng Dù thất thủ làm cho phía sau tuyến phòng thủ vòng ngoài của Quân lực Việt Nam Cộng hòa từ Củ Chi đến Gò Dầu Hạ bị hở sườn, hở lưng. Sư đoàn 316 tại Phước Mỹ, Phước Hiệp, Trảng Bàng chuyển từ thế vây ép sang thế tấn công vào Liên đoàn 32 Biệt động quân, bắt sống Trung tá Liên đoàn trưởng Lê Khải Toàn, đồng thời tiêu diệt các lực lượng còn sót lại của Sư đoàn 25 Quân lực Việt Nam Cộng hòa và lực lượng Biệt động quân trên Đường số 1 và 2, chiếm chi khu Trảng Bàng, giải phóng hầu hết tỉnh Tây Ninh. Sư đoàn 10 được tăng cường Trung đoàn 64 (từ Sư đoàn 320A), Trung đoàn Xe tăng 273, Trung đoàn Đặc công 198 đã chia thành 2 hướng và mở cuộc tấn công từ Củ Chi vào Liên đoàn 9 Biệt động quân và hai Liên đoàn Bảo an tại Hậu Nghĩa, phát triển đến khu vực cầu Bông và chiếm cầu chỉ sau 50 phút giao chiến. Mũi thứ hai của cánh quân này là Trung đoàn 28 đánh chiếm cầu Sáng, thành Quan Năm, quận lỵ Hóc Môn, Quân trường Quang Trung, đến trưa ngày 29 đã có mặt tại ngã tư Bà Quẹo; Trung đoàn Gia Định được tăng cường Tiểu đoàn 195 gây thiệt hại cho một Đại đội Biệt động quân ở Tân Thới Thượng, tiến công các chi khu Xuân Thế Thượng, Tân Thới Thất rồi phát triển ra Quốc lộ 1, làm chủ Tham Lương. Tại khu nhà máy dệt Vinatexco và ngã tư Bảy Hiền, Quân lực Việt Nam Cộng hòa sử dụng một Tiểu đoàn Biệt động quân, một Tiểu đoàn Bảo an và một Chi đoàn Thiết giáp tổ chức chống cự nhưng bị đánh tan lúc 19 giờ 30 phút cùng ngày sau ba đợt phản kích. Cánh cửa phía Tây Bắc Sài Gòn đã được mở ra.[69]
5 giờ 30 phút sáng 30 tháng 4, sau một trận pháo kích từ tất cả các cỡ súng lớn của Quân đoàn, Sư đoàn 10 và hai Đại đội Xe tăng của Trung đoàn Thiết giáp 273 - Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tấn công sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tư lệnh Thiết giáp, Bộ Tư lệnh Không quân và Sở Chỉ huy Trung đoàn 5 Không quân Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Lữ đoàn Dù 4 (thiếu), một Tiểu đoàn của Liên đoàn Bảo an 391 cùng hai Đại đội Quân cảnh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa lùi về phòng thủ tại khu vực cổng số 5 của sân bay nhưng chỉ chống cự được hơn một giờ và tan rã sau hai đợt tập kích. Đến 10 giờ 30 phút, Sư đoàn 10 với sự dẫn đầu của nữ biệt động Nguyễn Thị Trung Tiên đã tiến vào sân bay Tân Sơn Nhất qua hai cổng 4, 5 và hầu như đã chiếm trọn sân bay Tân Sơn Nhất, khu ra đa điều hành không lưu, Sở Chỉ huy Sư đoàn 5 Không quân, Sở Chỉ huy Sư đoàn Dù,[70] bắt liên lạc với hai phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại trại Davis. Sư đoàn 320A tách Trung đoàn 28 sang phối hợp với Quân đoàn 1 đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa, điều Trung đoàn 64 có một Đại đội Xe tăng K-63 (PT-85) đi kèm tiến về phía sau Dinh Độc Lập qua đường Lê Văn Duyệt và đường Hồng Thập Tự còn Trung đoàn 24 và 2 tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn Xe tăng 273 thì phối hợp với Trung đoàn 48 Sư đoàn 320B (Quân đoàn 1) đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu Việt Nam Cộng hòa. Khi các đơn vị này đến nơi thì các đơn vị phái đi trước của Lữ đoàn Xe tăng 203 và Trung đoàn 66 (Sư đoàn 304) đã có mặt tại Dinh Độc Lập trước đó 30 phút.[71] Ngoài ra 2 Trung đoàn 316 và 320 thì tiếp tục truy quét Sư đoàn 25 Quân lực Việt Nam Cộng hòa, giải phóng Củ Chi, Hóc Môn và Tây Ninh.
Tại hướng Đông Bắc
[sửa | sửa mã nguồn]Chướng ngại cuối cùng đối với Quân đoàn 4 QGP trên đường tiến vào Sài Gòn là khu phòng thủ Hố Nai - Long Bình - Tam Hiệp do những lực lượng còn lại của Sư đoàn 18, 2 tiểu đoàn còn lại của Lữ đoàn Kỵ binh Thiết giáp số 3 và Liên đoàn Bảo an 318 phòng thủ. Tại đây, tướng Lê Minh Đảo đã cho đào 4 lớp hào chống tăng, đặt âm các xe tăng trong công sự, hình thành nhiều ổ đề kháng cố định và cơ động. Để giải quyết nhanh cụm phòng thủ này, ngày 29 tháng 4, tướng Hoàng Cầm một mặt sử dụng một trung đoàn của Sư đoàn 341 và Trung đoàn Pháo binh 55 dùng hỏa lực chế áp các cứ điểm phòng thủ của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, mặt khác điều hai trung đoàn 266 và 270 phối hợp với Sư đoàn 6 vòng qua cụm chốt đánh chiếm sân bay Biên Hòa, Sở Chỉ huy Quân đoàn III - Quân lực Việt Nam Cộng hòa, Sở Chỉ huy Sư đoàn 3 Không quân, trận địa pháo Hốc Bà Thức và Tổng kho Long Bình.[72] 4 giờ sáng ngày 30 tháng 4, Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4) đã có mặt tại cầu Ghềnh. Do cầu yếu (trọng tải 12 tấn/lượt xe), toàn bộ xe tăng của Quân đoàn 4 phải di chuyển qua cầu Xa lộ để vào Sài Gòn. Tại ngã ba Tam Hiệp, tướng Lê Minh Đảo cố gắng lập một cụm chốt phòng ngự nhưng cũng bị đánh tan lúc 11 giờ trưa ngày 30 tháng 4. 12 giờ 30 phút, các đơn vị phái đi trước của Trung đoàn 14, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 hội quân với Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tại Dinh Độc Lập đúng lúc Tổng thống Dương Văn Minh đọc xong lời tuyên bố đầu hàng không điều kiện trên Đài phát thanh Sài Gòn.[69]
Tại hướng Tây Nam
[sửa | sửa mã nguồn]Đêm 29 tháng 4, Sư đoàn 9 đảm nhận mũi tấn công chủ yếu của đoàn 232 cùng với hai tiểu đoàn xe tăng sau khi vượt qua các chướng ngại đồng lầy, sông nước tại Long An đã sử dụng Trung đoàn 1 đánh chiếm cầu Bà Lác, ngã năm Vĩnh Lộc, theo đường Lê Văn Duyệt tấn công Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô; Trung đoàn 2 được tăng cường 7 xe tăng T-54, 16 xe bọc thép BTR-60, 2 xe M-113 hình thành mũi tấn công thứ hai vào Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô qua ngả An Ninh, Mỹ Hạnh. Trung đoàn 3 của sư đoàn này có 3 xe tăng T-54, 6 xe BTR-60 đã tiêu diệt Sở Chỉ huy Liên đoàn 8 và Tiểu đoàn quân 88 trên tuyến vành đai Đại Hàn; tiếp đó đánh tan Tiểu đoàn Bảo an 327 ở nam Vĩnh Lộc, diệt chi khu Bà Hom, đánh chiếm trường đua Phú Thọ. Mặc dù bị hai phi đội A-37 của Sư đoàn 4 - Không lực Việt Nam Cộng hòa từ Cần Thơ lên đánh bom trúng đội hình đi đầu nhưng các đơn vị này vẫn vây chặt được Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô. Không còn đường thoát, lúc 10 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4, tướng Lâm Văn Phát, Tư lệnh Biệt khu Thủ đô đã dẫn các thuộc cấp ra đầu hàng (POW) và kêu gọi sĩ quan, binh sĩ thuộc quyền hạ vũ khí, chấm dứt kháng cự.[73]
Trong khi đó Trung đoàn 24 cùng Đặc công diệt đồn Bình Hưng Đông, chiếm giữ cầu Nhị Thiên Đường, cầu Chữ Y, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia. Trung đoàn 88 diệt chi khu Bà Hom, tiến công đồn Ông Thìn, ngã ba An Phú, khu Nhà Bè. Trung đoàn 16 đánh chiếm ga An Lộc, cầu Bình Điền. Sư đoàn 5 tấn công tiêu diệt và bức hàng toàn bộ Sư đoàn 22 và các Liên đoàn Biệt động quân của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, cùng lực lượng địa phương đánh chiếm thị xã Tân An, chi khu Thủ Thừa. Các đơn vị đặc công chiếm các quận Tân Bình, Bình Chánh và khu Rừng Sác.
Tại hướng Đông Nam
[sửa | sửa mã nguồn]Đây là hướng tấn công chủ yếu của Quân đoàn 2 và đồng thời cũng là hướng phản kích quyết liệt nhất của Quân lực Việt Nam Cộng hòa để mở đường máu thoát ra biển qua sông Lòng Tàu và căn cứ hải quân Cát Lái. Vì vậy cuộc chiến ở khu vực này cũng diễn ra ác liệt không kém các cuộc chiến tại hướng Đông, Bắc và Tây Bắc Sài Gòn.[74] Sáng 28 tháng 4, những đơn vị còn lại của hai Lữ đoàn Thủy quân Lục chiến và Chiến đoàn 322 Quân lực Việt Nam Cộng hòa mới được điều từ lực lượng dự bị ra đã dùng hơn 20 tàu đổ bộ của hải quân bất ngờ mở cuộc phản kích vào Lữ đoàn Pháo binh 164 và Sở Chỉ huy Sư đoàn 325. Trung đoàn Pháo binh 84 (thuộc Sư đoàn 325) và Trung đoàn Cao xạ 824 (Sư đoàn Phòng không 673) đã lập tức dùng hỏa lực pháo bắn thẳng phá vỡ đội hình phản kích của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, bắn chìm 7 tàu của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Đến 15 giờ chiều ngày 28 tháng 4, Trung đoàn 101 (Sư đoàn 325) đã tiếp cận chiến trường, giành lại trận địa, đẩy các lực lượng phản kích của Quân lực Việt Nam Cộng hòa lùi về Cát Lái. Sáng 29 tháng 4, Sư đoàn 304 QGP tổ chức hai mũi đột kích vu hồi gồm Trung đoàn 24, Trung đoàn 9 và một Đại đội Xe tăng của Lữ đoàn 203. Đến 10 giờ cùng ngày, các đơn vị này đã dập tắt các ổ đề kháng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, làm chủ tình hình ở khu vực Nước Trong và ngã ba Đường 15.[75] Trưa 29 tháng 4, các tướng Hoàng Cầm (Tư lệnh Quân đoàn 4) và Nguyễn Hữu An (Tư lệnh Quân đoàn 2) đều nhận được mật lệnh của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh: "Tấn công vào nội đô Sài Gòn từ 16 giờ cùng ngày"; sớm hơn dự kiến 12 giờ. 14 giờ chiều 29 tháng 4, Quân đoàn 2 đã đánh chiếm các mục tiêu còn lại tại Nhơn Trạch, bến phà Cát Lái, khu kho hậu cần Thành Tuy Hạ, vượt sông Đồng Nai đánh chiếm căn cứ hải quân Cát Lái.[73]
Tối 29 tháng 4, lực lượng đột kích sâu của Quân đoàn 2 đã sẵn sàng tiến quân từ Long Nha. Cụm quân này gồm có Lữ đoàn 203 Tăng - Thiết giáp đi đầu và đi giữa đội hình, Trung đoàn 66 Bộ binh Cơ giới (có hơn 50 xe ô tô chở quân), một Đại đội Bộ binh Cơ giới của Trung đoàn 18 sử dụng xe thiết giáp V-100, Tiểu đoàn 7 Cao xạ (Trung đoàn 284), một Đại đội Tên lửa Phòng không Strela-2 (A-72), Tiểu đoàn 4 Pháo binh (Lữ đoàn 164), hai Đại đội Pháo 85 mm (Trung đoàn 68, Sư đoàn 304), một Tiểu đoàn Công binh và hai Đại đội Cầu phà (Lữ đoàn Công binh 219). Lực lượng đột kích sâu được lệnh bỏ qua các ổ đề kháng lẻ của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, để lại cho Trung đoàn 18 (Sư đoàn 325) hành quân theo sau giải quyết. Mục tiêu cuối cùng là tiến thẳng đến Dinh Độc Lập.[76]
Sáng 30 tháng 4, cụm đột kích sâu nhanh chóng dập tắt các ổ đề kháng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại cầu Xa Lộ, Căn cứ Rạch Chiếc, căn cứ Nguyễn Huệ, Học viện Cảnh sát, cầu Sài Gòn. Pháo binh Quân lực Việt Nam Cộng hòa trụ lại tại căn cứ Thủ Đức dùng hỏa lực súng cối và súng chống tăng M-72 chặn đánh và chia cắt đội hình Tiểu đoàn Xe tăng 5 (Lữ đoàn 203). Một phân đội của Lữ đoàn 203 liền kéo vào tiêu diệt nhóm pháo binh này. Tại đây xe tăng 707 của lữ đoàn đã phải chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và người cuối cùng.[77] Đến 9 giờ sáng 30 tháng 4, sau khi dồn bộ phận còn lại của đối phương vào trong căn cứ Thủ Đức, Tiểu đoàn 5 để lại cụm quân này cho Trung đoàn 18 (Sư đoàn 325) xử lý và đuổi theo các đơn vị đi đầu lúc này đã đến cầu Sài Gòn. Sau khi đánh tan sức kháng cự của 8 xe tăng có sự phối hợp của 6 tàu chiến hải quân Quân lực Việt Nam Cộng hòa đậu tại Tân Cảng, cụm đột kích sâu nhanh chóng vượt qua cầu Sài Gòn tiến vào đường Hồng Thập Tự,[78] nhưng cũng mất 4 xe tăng và Tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Nhã của Lữ đoàn Xe tăng 203 hi sinh.[79]
Sau khi tiêu diệt cụm chốt cuối cùng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại cầu Thị Nghè gồm 4 xe tăng và 6 lô cốt chỉ trong vòng 15 phút, Tiểu đoàn Xe tăng 1 (Lữ đoàn 203) đã tiếp cận cổng Dinh Độc Lập qua ngả Thảo Cầm Viên. Xe tăng 843 lao vào húc cánh cổng phụ bên trái của dinh nhưng bị kẹt lại. Còn xe tăng 390 do Chính trị viên Đại đội Vũ Đăng Toàn chỉ huy húc đổ cánh cổng chính và tiến vào sân Dinh Độc Lập.[80] Đại đội trưởng Bùi Quang Thận ra khỏi xe 843, lấy lá cờ trên xe của mình đem vào treo lên cột cờ trên nóc Dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút.[81]
Ít phút sau, Đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn 66 và hai Đại đội Bộ binh đã có mặt tại Dinh Độc Lập. Toàn bộ Nội các của chính quyền Việt Nam Cộng hòa có mặt tại dinh lúc đó gồm: Tổng thống Dương Văn Minh, Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu, Phó thủ tướng Bùi Tường Huân, Tổng trưởng Kinh tế Nguyễn Văn Hảo, Tổng trưởng Thông tin Lý Quí Chung, Tổng trưởng Thương mại và Kỹ nghệ Nguyễn Văn Diệp, Tổng trưởng Tài chính Lê Quang Trường, Thứ trưởng Thông tin Nguyễn Văn Ba, Thứ trưởng Quốc phòng Bùi Thế Dũng, Phụ tá Tổng Tham mưu trưởng Nguyễn Hữu Hạnh, Chánh văn phòng Phủ Thủ tướng Vũ Trang Chiêm.[81] Tại đây, ông Dương Văn Minh nói: "Chúng tôi chờ cách mạng đến để bàn giao chính quyền". Ông Phạm Xuân Thệ tuyên bố: "Các ông chẳng còn gì để bàn giao, các ông phải đầu hàng vô điều kiện". 11 giờ 45 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông Phạm Xuân Thệ và các sĩ quan dưới quyền đã đưa ông Dương Văn Minh ra đài phát thanh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.[82][83]
Các diễn biến chính trị, ngoại giao
[sửa | sửa mã nguồn]Cho đến ngày 21 tháng 4, khi các tuyến phòng thủ Phan Rang và Xuân Lộc lần lượt sụp đổ, Nguyễn Văn Thiệu đã từ chức và bay sang Đài Loan, nhường lại ghế Tổng thống Việt Nam Cộng hòa cho Trần Văn Hương, người Pháp vẫn tin rằng họ có thể dàn xếp được một giải pháp chính trị. Tại Paris, ông Jean Sauvagnargues, Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Pháp đã nhiều lần triệu kiến Đại sứ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Ba và Trưởng đoàn đại diện Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Võ Văn Sung đến trụ sở Bộ Ngoại giao để tham vấn và liên tiếp đưa ra các đề nghị về một giải pháp chính trị. Phía Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố đàm phán chỉ bắt đầu khi chính quyền Nguyễn Văn Thiệu phải ra đi. Phía Pháp đồng thuận và chuẩn bị phương án đưa Dương Văn Minh lên thay để tạo điều kiện cho đàm phán được tiến hành.[84] Tại Sài Gòn, ngay khi bắt đầu chiến dịch di tản người Mỹ khỏi miền Nam, Đại sứ Hoa Kỳ Martin cũng tìm gặp trao đổi với Đại sứ Pháp Jean Marie Merillon về khả năng mở ra một giải pháp chính trị. Ngày 21 tháng 4, hai ông này đã gặp Nguyễn Văn Thiệu để bàn về việc đưa Dương Văn Minh lên ghế tổng thống nhưng Nguyễn Văn Thiệu lại yêu cầu "làm đúng Hiến pháp". Điều đó có nghĩa là Phó Tổng thống Trần Văn Hương sẽ lên thay. Và cả hai vị đại sứ Hoa Kỳ và Pháp chấp nhận một giải pháp trung gian với chức vụ thủ tướng được trao cho Dương Văn Minh. Mặc dù không thể lật ngược được tình huống nhưng việc chậm trễ khi đưa ông Dương Văn Minh lên ghế tổng thống đã không cho các quan chức CIA ở Sài Gòn thêm bất cứ một cơ hội nào để thực hiện một giải pháp thương lượng.[85]
Trong lúc vội vã tìm kiếm sự ủng hộ của "lực lượng thứ ba" để làm một giải pháp thương lượng, ngày 28 tháng 4, ông Dương Văn Minh đã bổ nhiệm ông Triệu Quốc Mạnh, là người được phía Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cài vào "lực lượng thứ ba", vào chức vụ Giám đốc Cảnh sát Đô thành. Lấy cớ thực hiện ý định của tổng thống, ông Mạnh đã giải tán các phòng cảnh sát đặc biệt, các bộ chỉ huy cảnh sát các quận và các tổ chức cảnh sát ở cơ sở. Ông còn lệnh cho các đồn cảnh sát không được nổ súng và cho phép các sĩ quan cảnh sát được về nhà để lo cho gia đình. Những hoạt động của ông Triệu Quốc Mạnh đã vô hiệu hóa gần như toàn bộ lực lượng cảnh sát tại Sài Gòn từ ngày 29 tháng 4.[86]
19 giờ ngày 28 tháng 4, ngay sau khi tân Tổng thống Dương Văn Minh vừa thu âm xong bản tuyên bố của mình với yêu cầu cả hai bên ngừng bắn, thương lượng để bàn giao chính quyền thì ông Vanussème, tùy viên quân sự và an ninh của Đại sứ quán Pháp tại Sài Gòn xuất hiện. Ông này yêu cầu ngưng phát cuộn băng và đưa ra một đề nghị khiến ông Dương Văn Minh cũng phải kinh ngạc vì sợ mình nghe nhầm. Đề nghị đó là: chính quyền mới do ông Dương Văn Minh đứng đầu hãy ra tuyên bố chống Liên Xô và kêu gọi Bắc Kinh can thiệp, ngăn chặn cộng sản Việt Nam tiến vào Sài Gòn. Ông ta nói có những nguồn tin ở Washington, Paris và Bắc Kinh cho biết Trung Quốc không ủng hộ một thắng lợi hoàn toàn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Vanusseme còn nói cứng: "Trung Quốc sẽ vào và các ông sẽ đứng vững". Tuy nhiên, ông Dương Văn Minh đã lấy cớ không còn thời gian và Sài Gòn không có liên lạc trực tiếp với Bắc Kinh để từ chối đề nghị của Vanussème. Ông Dương Văn Minh, vốn đã được Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam thông qua em trai là Dương Văn Nhựt (bí danh Mười Ty, Đại tá Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam) và gia đình thuyết phục từ trước, đã từ chối và nói:
“ | Tôi cảm ơn thiện chí của ông, nhưng trong đời tôi, tôi đã từng làm tay sai cho Pháp, rồi tay sai cho Mỹ, đã quá đủ rồi. Tôi không thể tiếp tục làm tay sai cho Trung Quốc.[87] | ” |
Vào lúc 19 giờ 30 phút ngày 28 tháng 4, ông ra lệnh cho phát cuộn băng đã ghi âm với lời kêu gọi "những người anh em ở phía bên kia ngừng bắn để thu xếp một giải pháp bàn giao chính quyền" nhưng Đài phát thanh Hà Nội cũng như những đại diện của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở Paris vẫn chỉ có một yêu cầu là phía Việt Nam Cộng hòa phải đầu hàng không điều kiện.[88] Sau này, khi trả lời phỏng vấn của một số nhà báo tại Sài Gòn về quyết định đầu hàng ngày 30 tháng 4 của mình, ông Dương Văn Minh cho rằng: Sài Gòn và xã hội miền Nam đã mục ruỗng, nhất là càng về cuối thì tình hình càng trở nên hỗn loạn, không sao kiểm soát được... Trước sức mạnh vũ bão của quân Giải phóng, Quân lực Việt Nam Cộng hòa không còn đủ sức chống cự, chỉ có quyết định đầu hàng không điều kiện là điều hợp thời duy nhất mà thôi.[89] Tại Hội nghị La Celle Saint Cloud, phái đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố: "Xây dựng miền Nam Việt Nam hòa bình, độc lập, hòa hợp dân tộc, dân chủ, trung lập, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc" khi được hỏi về chủ trương của họ sau khi Việt Nam Cộng hòa đầu hàng.[90]
Các diễn biến tại đồng bằng sông Cửu Long
[sửa | sửa mã nguồn]Kế hoạch mật khu phá sản
[sửa | sửa mã nguồn]Trong các diễn biến của Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Quân đoàn IV Việt Nam Cộng hòa tại đồng bằng sông Cửu Long là đơn vị ít chịu thiệt hại nhất. Ngay sau các cuộc thất thủ tại Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng, theo lệnh của Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa, tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh Quân đoàn đã hoàn chỉnh kế hoạch lập "mật khu" để giữ đồng bằng sông Cửu Long làm căn cứ tiếp tục chống cự nếu Sài Gòn thất thủ. Tướng Nam hy vọng với ba Sư đoàn Bộ binh 7, 9, 21 còn tương đối nguyên vẹn trong tay, gần nửa triệu địa phương quân và phòng vệ dân sự, cộng với các lực lượng còn sống sót rút từ các quân khu đã thất thủ về, ông ta có thể lập được vành đai Alpha xung quanh thành phố Cần Thơ, trung tâm chỉ huy của Quân đoàn. Trong trường hợp không giữ được Cần Thơ, tướng Nam còn có phương án dựa vào tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia với dãy núi Thất Sơn và các vùng có đông tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, có hàng trăm hang động hiểm trở để cầm cự lâu dài và chờ thời cơ phản công. Trong tháng 4 năm 1975, một số công trình kiên cố dự định sử dụng cho Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa rút về đây đã được xây dựng.[91] Các tướng Lê Minh Đảo và Lê Văn Hưng cũng đặt nhiều hy vọng vào kế hoạch này khi từ chối lời mời của tướng Nguyễn Hữu Hạnh đề nghị các ông này quay về Sài Gòn hợp tác với tướng Dương Văn Minh.[92]
Tuy nhiên, kế hoạch này đã không thể thực hiện được do một số tướng tá cấp dưới đã bỏ chạy, bộ máy chỉ huy của Quân đoàn IV đã rối loạn đến mức không thể điều khiển được các đơn vị dưới quyền trong khi các lực lượng cách mạng đang ở thế áp đảo. Đến 10 giờ ngày 30 tháng 4, (trước lúc khởi sự 4 giờ), viên Chuẩn tướng Tham mưu trưởng Quân đoàn và viên Đại tá phụ trách an ninh chịu trách nhiệm giao nhiệm vụ cho các cấp đã bỏ trốn cùng vợ con qua ngả sông Hậu ra biển. Cùng đi còn có viên Thiếu tá Chánh Văn phòng Tiểu khu Phong Dinh. 18 giờ chiều ngày 30 tháng 4, một số thân hào, nhân sĩ Cần Thơ đã có mặt tại cổng tư dinh của tướng Lê Văn Hưng tại Cần Thơ yêu cầu ông ta hãy vì dân chúng mà đừng ra lệnh phản công vì sợ rằng nếu Quân lực Việt Nam Cộng hòa phản công, Cần Thơ sẽ bị pháo binh đối phương bắn nát như An Lộc năm 1972. 18 giờ 45 phút chiều ngày 30 tháng 4, tướng Nam điện cho tướng Hưng thông báo việc ông ta đã cho phát cuộn băng lời kêu gọi của mình trên đài phát thanh Cần Thơ. Nhưng việc này đã không được thực hiện do Đài phát thanh đã bị một đơn vị Biệt động quân Giải phóng do Thiếu tá Hoàng Văn Thạch chỉ huy giành quyền kiểm soát trước đó một giờ. Thay vào đó, cuốn băng ghi lại lời kêu gọi đầu hàng của tướng Dương Văn Minh hồi 12 giờ trưa ngày 30 tháng 4 được phát lên sóng của đài Cần Thơ. Chiều tối 30 tháng 4, tướng Lê Văn Hưng tự sát tại tư dinh. Nửa đêm ngày 30 tháng 4, tướng Nguyễn Khoa Nam ra lệnh dỡ bỏ các bản đồ, kế hoạch, mật hiệu hành quân dưới tầng hầm của Sở Chỉ huy Quân đoàn IV Quân lực Việt Nam Cộng hòa và tự sát ngay trong phòng làm việc rạng sáng ngày 1 tháng 5 năm 1975. Kế hoạch "mật khu" của Quân đoàn IV phá sản.[93]
Từ ngày 26 tháng 4 đến ngày 2 tháng 5, các đơn vị Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Quân khu 8 đã tổ chức nhiều mũi tấn công vào các đơn vị Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại đồng bằng sông Cửu Long, phối hợp với sự nổi dậy của dân chúng trong vùng. Ngày 27 tháng 4, Sư đoàn 7 Quân lực Việt Nam Cộng hòa bị Sư đoàn 8 QGP bao vây tại căn cứ Đồng Tâm, chịu để mất thành phố Mỹ Tho cách đó khoảng vài dặm. Trong các ngày 29 và 30 tháng 4, các tiểu khu Định Tường, Kiến Tường, Sa Đéc lần lượt bị giành quyền kiểm soát bởi lực lượng vũ trang địa phương. Thậm chí Quân lực Việt Nam Cộng hòa và chính quyền địa phương của họ tại tỉnh Gò Công đã hạ vũ khí đầu hàng trước cuộc biểu tình của dân chúng chỉ có một đội tự vệ võ trang hỗ trợ.[94]
Tại Khu 9, tình hình cũng diễn biến rất nhanh chóng. Ngày 30 tháng 4, tại Bến Tre, ba Tiểu đoàn Bảo an 401, 418 và 593 Quân lực Việt Nam Cộng hòa bị các Tiểu đoàn địa phương 263 và 596 của quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đánh thiệt hại nặng trong một cuộc phản kích định chiếm lại chi khu Lương Quới. Đến ngày 1 tháng 5, chính quyền toàn tỉnh Bến Tre (Kiến Hòa) rơi vào tay các lực lượng cách mạng. Đêm ngày 29 tháng 4, Sư đoàn 4 (chủ lực khu 9) đã bao vây và giành quyền kiểm soát sân bay Trà Nóc. Sư đoàn 4 không quân và tiểu đoàn bảo vệ sân bay không kháng cự và đầu hàng tại chỗ. Đến chiều tối ngày 30 tháng 4, hầu hết các cứ điểm quan trọng còn lại của Quân lực Việt Nam Cộng hòa trong vành đai Alpha như căn cứ Bình Thủy, sân bay Lộ Tẻ, Nha Cảnh sát, Bộ Tư lệnh Vùng chiến thuật IV, đài phát thanh, dinh tỉnh trưởng Phong Dinh bị QGP giành quyền kiểm soát. Sáng 30 tháng 4, tại Vĩnh Long, Trung đoàn 18 (Sư đoàn 21, Quân lực Việt Nam Cộng hòa) đầu hàng và tan rã tại chỗ. Viên Đại tá Tỉnh trưởng ra hàng sáng ngày 1 tháng 5. Tại Trà Vinh, 11 giờ ngày 30 tháng 4, viên Tỉnh trưởng và hơn 100 binh lính còn lại cũng hạ vũ khí đầu hàng. 11 giờ ngày 1 tháng 5, toàn bộ Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại Long Xuyên hạ vũ khí trước sức ép của Trung đoàn 101 (Sư đoàn 4 - chủ lực khu 9) có một Tiểu đoàn Thiết giáp M-113 tăng cường. Tại Sóc Trăng, ngày 30 tháng 4, bốn Tiểu đoàn Phú Lợi 1, 2, 3, 4 của Tỉnh đội Sóc Trăng lần lượt giành quyền kiểm soát trại Lý Thường Kiệt, sân bay Vọng Hoàn, chi khu Khánh Hưng, khu Hoàng Diệu, Ty Cảnh sát. Lúc 14 giờ cùng ngày, hơn 100 binh sĩ Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại dinh Tỉnh trưởng kéo cờ trắng (POW) ra hàng. Tại Bạc Liêu, sáng 30 tháng 4, viên Tỉnh trưởng và bộ máy chính quyền Việt Nam Cộng hòa tại đây đã chấp nhận đầu hàng trước cuộc biểu tình của gần một vạn người dân trước tòa Thị chính Bạc Liêu. 22 giờ đêm ngày 30 tháng 4, bốn Tiểu đoàn chủ lực khu 9 (QGP) đã giành quyền kiểm soát toàn bộ tỉnh Rạch Giá. 10 giờ 30 phút sáng ngày 1 tháng 5, các lực lượng vũ trang cách mạng địa phương đã làm chủ thị xã và toàn tỉnh Cà Mau.[95]
Đánh đuổi quân Khmer Đỏ trên vùng giáp biên giới
[sửa | sửa mã nguồn]Tuy không nằm trong kế hoạch Chiến dịch Hồ Chí Minh nhưng các hoạt động đánh đuổi quân Khmer Đỏ ra khỏi các vùng đất liền Việt Nam ở Tây Nam Bộ bị họ lấn chiếm cũng là một trong các hoạt động quân sự để chiến dịch này có được kết quả hoàn chỉnh, bảo vệ vững chắc lãnh thổ vừa mới được thống nhất của Việt Nam.
Ngay sau khi Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại đồng bằng sông Cửu Long tan rã và đầu hàng Quân Giải phóng, từ ngày 3 đến ngày 12 tháng 5 năm 1975, chính quyền Khmer Đỏ đã lợi dụng "khoảng trống về quyền lực" tại các địa phương trên khu vực biên giới giữa các tỉnh Hà Tiên, Châu Đốc của Việt Nam giáp với các tỉnh Takeo và Campot của Campuchia, sử dụng quân chính quy mở các cuộc tấn công lấn chiếm nhiều địa điểm của Việt Nam. Đặc biệt là khu vực Ba Chúc (huyện Tri Tôn), Phú Cường, Phú Hiệp (huyện Tịnh Biên), thị xã Châu Đốc, huyện lỵ An Phú; quân Khmer Đỏ đã sát hại trên 500 thường dân Việt Nam, kể cả một số cựu quân nhân Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã buông súng, rời bỏ quân ngũ; bắn vào những thường dân Việt Nam từ Campuchia chạy trốn khỏi chế độ Khmer Đỏ về Việt Nam. Tại Tây Ninh, quân Khmer Đỏ cũng tấn công lấn chiếm nhiều địa điểm tại Xa Mát, Ta Nốt, Lò Gò (huyện Tân Biên), Phước Thạnh, Phước Tân, (huyện Châu Thành), Cây Me, Mộc Bài (huyện Bến Cầu) sát hại hàng trăm thường dân Việt Nam.[96][97]
Song song với các chiến dịch chiếm lại các đảo Phú Quốc, Thổ Chu, Polou Wai, quần đảo Nam Du trên Vịnh Thái Lan, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đã sử dụng Sư đoàn 4 Bộ binh được tăng cường Trung đoàn Hải quân Đánh bộ 101 từ Bộ Tư lệnh Hải quân mở cuộc phản công đẩy lùi quân Khmer Đỏ. Ngày 7 tháng 5, giải phóng Châu Đốc. Đến đầu tháng 6, các đơn vị này đã giải phóng toàn bộ khu vực biên giới thuộc tỉnh An Giang bị quân Khmer Đỏ lấn chiếm; loại khỏi vòng chiến đấu một Tiểu đoàn quân chính quy Khmer Đỏ, thu giữ một khẩu pháo 105 mm, hai khẩu súng cối 82 và 60 mm, tám đại liên 12,7 mm, hơn 40 súng bộ binh các loại. Sau khi giành lại chủ quyền lãnh thổ, các đơn vị này đã tổ chức rào dây thép gai trên 40 km đường biên giới và bố trí phòng thủ tại chỗ đề phòng quân Khmer Đỏ tiếp tục lấn chiếm.[98]
Kết quả
[sửa | sửa mã nguồn]Chiến dịch Hồ Chí Minh, chiến dịch quân sự lớn nhất của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trong toàn bộ cuộc Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc thắng lợi với sự tan rã hoàn toàn của quân đội và chế độ Việt Nam Cộng hòa, toàn bộ lực lượng cố vấn quân sự còn lại của Mỹ ở Việt Nam phải rút chạy. Kết quả của chiến dịch này là sự thống nhất, độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ trên đất liền, vùng trời, vùng biển của Việt Nam sau hơn 100 năm bị nước ngoài xâm lược, chiếm đóng và chia cắt.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân Giải phóng đã làm tan rã toàn bộ lực lượng chủ lực, địa phương, cảnh sát thuộc Quân khu 3 của Quân lực Việt Nam Cộng hòa và lực lượng dự bị là tàn quân của Quân đoàn 1 và Quân đoàn 2 của Quân lực Việt Nam Cộng hòa rút về, tổng cộng trên 45 vạn quân. Quân Giải phóng tịch thu 500 khẩu pháo, hơn 400 xe tăng - xe thiết giáp, hơn 800 máy bay, hơn 600 tàu xuồng, 270.000 khẩu súng các loại, hơn 3.000 xe quân sự và toàn bộ kho tàng.[99]
Trên phương tiện thông tin đại chúng, sự kết thúc chiến dịch này được truyền đi bằng một bức điện từ Bưu điện Trung tâm Sài Gòn bởi một phóng viên UPI đến hơn 7500 máy teletype trên toàn cầu:
- "ZCZC VHAO 25 NXI (stop) Hỏa tốc... (stop) Sài Gòn-Chính phủ Sài Gòn đầu hàng. (stop) NTL 1131 Sáng"
Và một bức điện cụ thể hơn sau đó 60 giây để xác nhận:
“ |
ZCZ NNN (stop) Bản tin... (stop) Hòa bình-30/4 (stop) của Alan Dawson - UPI (stop) Sài Gòn-30 tháng 4 (stop) Tổng thống Dương Văn Minh hôm nay ra thông báo Nam Việt Nam đầu hàng và ra lệnh binh sĩ thuộc chính quyền ngừng chiến đấu. (stop) NTL 1132 Sáng. |
” |
— Alan Dawson[100] |
Đằng sau bức điện đơn giản nhưng được cả thế giới quan tâm ấy là kết quả của một chiến dịch đã đặt dấu chấm hết cho cuộc Chiến tranh Việt Nam; một cuộc chiến đã làm thương vong hơn 360.000 quân nhân Mỹ, trong đó có 58.191 quân nhân chết;[101] (chưa kể thương vong của các đội quân đồng minh của Mỹ là Việt Nam Cộng hòa, Hàn Quốc, Úc, New Zealand). Phía QGP có khoảng 850.000 quân nhân hy sinh, trong đó khoảng 200.000 người đến nay vẫn còn mất tích (chưa tìm được thi thể), gần 60 vạn quân nhân bị thương. Ngoài ra, gần 2 triệu dân thường Việt Nam đã chết, hơn 2 triệu dân thường mang thương tật suốt đời, khoảng 2 triệu người bị phơi nhiễm các loại hóa chất độc hại do Hoa Kỳ rải xuống.[102]
Ảnh hưởng quốc tế sau đó
[sửa | sửa mã nguồn]Quốc trưởng Vương quốc Campuchia Norodom Sihanouk, Thủ tướng Chính phủ Vương quốc đoàn kết dân tộc Campuchia- Penn Nouth, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Ilyich Brezhnev, Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Cộng sản Cuba Fidel Castro, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào yêu nước Souphanouvong, Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông, Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Anbani Enver Hoxha, Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Bungari Todor Zhivkov, Bí thư thứ nhất Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan Edward Gierek, Bí thư thứ nhất Đảng Xã hội Thống nhất Đức Erich Honecker, Bí thư thứ nhất Đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa Hungari János Kádár, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Rumani Nicolae Ceauşescu, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Tiệp Khắc Gustáv Husák, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Mông Cổ Yumjaagiin Tsedenbal, Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Kim Nhật Thành... đã gửi điện chúc mừng Việt Nam.
Bộ ngoại giao Thái Lan, Ngoại trưởng Philippines, Quyền Thủ tướng Sri Lanka, Thủ tướng Thụy Điển, Chủ tịch Tổ chức Giải phóng Palestin Yasser Arafat, Chủ tịch Algérie Houari Boumédiènne, Tổng thống Tanzania Julius Nyerere, Tổng thống Bangladesh Sheikh Mujibur Rahman, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Ấn Độ, các Đảng Cộng sản Rumani, Pháp, Ý, Nhật Bản, Mỹ, Triều Tiên,... có lời chúc mừng. Một số cuộc mít tinh được tổ chức ở một số nước (Congo-Brazzaville, Jamaica...).
Chính phủ Liên hiệp Dân tộc Lâm thời Lào, chính phủ Thái Lan, Thụy Điển, Phần Lan, Ấn Độ, Đan Mạch, Pakistan, Jamaica, Síp, Nigeria, Kuwait, Nhật Bản, Úc, Nepal, New Zealand, Anh, Ý, Pháp, Bỉ, Canada... đã công nhận Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (nửa đầu tháng 5). Ấn Độ từ ngày 15 tháng 5 thiết lập quan hệ ngoại giao với Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Ngày 18 tháng 5, Jordan công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Việt Nam Dân chủ cộng hòa thiết lập quan hệ ngoại giao với Nepal, Mozambique, Mexico, Miến Điện (tháng 5).
Thượng nghị sĩ Michael Mansfield, thủ lĩnh đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ phát biểu: "Chúng ta cần phải từ bỏ ý nghĩ chúng ta có thể là anh cả hoặc bố lớn của toàn thế giới còn lại..." Thượng nghị sĩ George McGovern phát biểu: "Tôi cho rằng sự dính líu của chúng ta ở Đông Dương là một sự tìm kiếm đáng ghê sợ trong chính sách của Mỹ trong nhiều năm nay".[103] Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cho rằng "Tôi nghĩ rằng có lẽ việc đưa các lực lượng quân sự Mỹ vào là biện pháp giải quyết tồi nhất vì điều đó có nghĩa là đưa một yếu tố ngoại lai vào".[104] Hạ viện Mỹ ngày 1 tháng 5 với 246 phiếu thuận, 162 phiếu chống đã bác bỏ đề nghị chi 372 triệu USD của Tổng thống dành cho di tản những người tị nạn ở Đông Dương.[105] Ngày 11 tháng 5 khoảng 75.000 người Mỹ tổ chức mít tinh tại một công viên tại New York chào mừng thắng lợi của các nước Đông Dương. Trước đó ngày 4 tháng 5, khoảng 500 người Mỹ tại Boston tổ chức mít tinh chào mừng thắng lợi của Việt Nam.[106]
Tại Campuchia, ngày 14 tháng 5, máy bay, tàu chiến Mỹ tại cảng Sihanoukville ven biển Campuchia bị Quân Khmer Đỏ đánh thiệt hại gần 100 lính bị chết, thương, mất tích.[107] Tại Lào, ngày 9 tháng 5 hơn 5.000 học sinh, công nhân, viên chức biểu tình tại Viêng Chăn tố cáo phe cực hữu, đòi cách chức các bộ trưởng, thứ trưởng phe cánh hữu. Sisouk na Champassak từ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cùng các bộ trưởng, thứ trưởng phe cánh hữu thân Mỹ, tướng Vàng Pao (Tư lệnh Quân khu 2), Phoui Sananikone, cựu Chủ tịch Quốc hội... lần lượt chạy sang Thái Lan. Tại Thái Lan, từ ngày 14 đến ngày 18 tháng 5, hàng vạn sinh viên đại học và nhân dân Băng Cốc biểu tình trước Đại sứ quán Mỹ đòi rút lính Mỹ tại Thái Lan về nước.[108]
Hình ảnh Sài Gòn ngày 30 tháng 4 năm 1975
[sửa | sửa mã nguồn]Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Minh Ngọc (TNO). Xung quanh bức ảnh được xét duyệt giải thưởng Hồ Chí Minh[liên kết hỏng], Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh Online, 09/06/2011 - 18:35.
- ^ Hệ thống tư liệu - văn kiện thuộc báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (26 tháng 1 năm 2018). “Chiến dịch Hồ Chí Minh (26/4 – 30/4/1975) giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”. http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/. Truy cập 4 tháng 10 năm 2020. Liên kết ngoài trong
|website=
(trợ giúp) - ^ “Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”. VOH. Truy cập 13 tháng 9 năm 2024.
- ^ Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tập VIII. trang 401.
- ^ a b Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tập VIII. trang 397.
- ^ Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tập VIII. trang 452.
- ^ Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tập VIII. trang 451.
- ^ Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975). Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân.
- ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 6 năm 2016. Truy cập ngày 22 tháng 3 năm 2016.
- ^ Lê Mậu Hãn (Chủ biên), Trần Bá Đệ, Nguyễn Văn Thư, Đại cương lịch sử Việt Nam tập 3, Nhà Xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 2007. Trang 271: Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân 1975... Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên đất nước độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.
- ^ “"Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa..."”. Quân đội Nhân dân. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 12 năm 2012. Truy cập 24 tháng 9 năm 2015.
- ^ Văn Tiến Dũng, sđd, trang 107.
- ^ Paul Drayfrus, sSđd. trang 132.
- ^ Paul Drayfrus, sđd, trang 130.
- ^ Frank Snepp, sđd, trang 223.
- ^ Cuộc từ chức đầy kịch tính của Tổng thống Thiệu, Tiền phong.
- ^ “Chiến dịch Huế - Đà Nẵng”. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2016.
- ^ Kỳ 2: Chuyến ra đi bí mật
- ^ Chuyến bay định mệnh của Nguyễn Văn Thiệu (2)
- ^ Dương Hảo, sđd, trang 273, 277.
- ^ “Paris, 30/4/1975”. Thế giới & Việt Nam. Truy cập 30 tháng 6 năm 2017.
- ^ “Vai trò của Tổng cục Hậu cần trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975”. Quân đội Nhân dân. Truy cập 25 tháng 5 năm 2023.
- ^ Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tập VIII, trang 403-404.
- ^ Lịch sử Quân đoàn 1 (1973-2003), trang 74.
- ^ Chiến dịch Hồ Chí Minh qua hồi ức của các vị Tư lệnh và Chính ủy, trang 429.
- ^ a b Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tập VIII, trang 404.
- ^ Lịch sử Quân đoàn 1 (1973-2003), trang 89.
- ^ Lịch sử Quân đoàn 1 (1973-2003), trang 131.
- ^ Lịch sử Quân đoàn 2 (1974-2004), trang 237.
- ^ Chiến dịch Hồ Chí Minh qua hồi ức của các vị tư lệnh và chính ủy, tr. 416, 430.
- ^ Lịch sử Quân đoàn 2 (1974-2004), trang 297.
- ^ a b c d Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tập VIII, trang 405.
- ^ Bộ đội chủ lực mặt trân Tây Nguyên - Quân đoàn 3 (1964-2005), trang 306.
- ^ Bộ đội chủ lực mặt trận Tây Nguyên - Quân đoàn 3 (1965-2004), trang 408.
- ^ Chiến dịch Hồ Chí Minh qua hồi ức của các vị tư lệnh và chính ủy, tr. 428.
- ^ Lịch sử Quân đoàn 4 - Binh đoàn Cửu Long (1974-2004), trang 102.
- ^ a b Lịch sử Sư đoàn 9 bộ binh, Tập 1, trang 191.
- ^ a b Lịch sử sư đoàn 303 - Phước Long, Tập 1, trang 85.
- ^ Chiến dịch Hồ Chí Minh qua hồi ức của các vị tư lệnh và chính ủy, trang 263.
- ^ “Ngày 8-4-1975: Thành lập Bộ Tư lệnh chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định”. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 10 tháng 9 năm 2015.
- ^ Chiến dịch Hồ Chí Minh qua hồi ức của các vị tư lệnh và chính ủy, tr. 428. Đoạn hồi ký của Thượng tướng Nguyễn Hữu An.
- ^ Lịch sử sư đoàn 5 bộ binh (1965-2005), trang 221.
- ^ Văn Tiến Dũng, sđd, trang 179.
- ^ Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tập VIII, trang 398.
- ^ a b Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tập VIII, trang 399.
- ^ Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tập VIII, trang 397.
- ^ Lịch sử Quân đoàn 2 (1974 - 2004), trang 276.
- ^ Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tập VIII, trang 413.
- ^ a b Lịch sử Quân đoàn 2 (1974 - 2004), trang 277.
- ^ a b Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tập VIII, trang 416.
- ^ Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 (Biên niên sự kiện), trang 208.
- ^ Lịch sử Quân đoàn 4 - Binh đoàn Cửu Long (1974-2004), trang 135.
- ^ Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tập VIII, trang 415.
- ^ Bộ đội chủ lực Tây Nguyên - Quân đoàn 3 (1964-2005), trang 388.
- ^ Lịch sử sư đoàn bộ binh 5 (1965-2005), trang 181.
- ^ Lịch sử sư đoàn 9, Tập 1, trang 124.
- ^ Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trang 424.
- ^ Lê Đại Anh Kiệt, sđd, trang 186-187.
- ^ Lịch sử Quân đoàn 1 (1973-2004), trang 115.
- ^ Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tập VIII, trang 422-423.
- ^ Lịch sử Quân đoàn 1 (1973-2004), trang 117-118.
- ^ Lịch sử Quân đoàn 1 (1973-2004), trang 119.
- ^ Lịch sử Quân đoàn 1 (1973-2004), trang 121.
- ^ Dương Hảo, sđd, trang 259.
- ^ Lịch sử Quân đoàn 1 (1973-2004), trang 128-130.
- ^ Chiến dịch Hồ Chí Minh qua hồi ức của các vị tư lệnh và chính ủy, trang 268.
- ^ Bộ đội chủ lực Mặt trận Tây Nguyên - Quân đoàn 3 (1964-2005), trang 370-371.
- ^ Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tập VIII, trang 420.
- ^ a b Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tập VIII, trang 421.
- ^ Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 (Biên niên sự kiện), trang 218.
- ^ Bộ đội chủ lực Mặt trận Tây Nguyên - Quân đoàn 3 (1964-2005), trang 376-377.
- ^ Lịch sử Quân đoàn 4 - Binh đoàn Cửu Long (1974-2004), trang 116-117.
- ^ a b Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tập VIII, trang 438.
- ^ Lịch sử Quân đoàn 2 (1974 - 2004), trang 282.
- ^ Lịch sử Quân đoàn 2 (1974 - 2004), trang 284.
- ^ Lịch sử Quân đoàn 2 (1974 - 2004), trang 286.
- ^ Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 (Biên niên sự kiện), trang 221.
- ^ Lịch sử Quân đoàn 2 (1974 - 2004), trang 287.
- ^ Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 (Biên niên sự kiện), trang 222.
- ^ Trần Bạch Đằng, Võ Nguyên Giáp trong cuộc trường chinh thế kỷ, Nhà Xuất bản Văn hóa Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh, 2007. Trang 680.
- ^ a b Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tập VIII, trang 448.
- ^ Lịch sử sư đoàn 304, Tập 2, trang 182.
- ^ Gabriel Kolko, sđd, trang 451.
- ^ Võ Văn Sung, sđd, trang 204.
- ^ Frank Snepp, sđd, trang 205.
- ^ Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trang 444.
- ^ Nguyễn Hữu Thái. Hồi ức "Dương Văn Minh và tôi" năm 2008.
- ^ Võ Văn Sung, sđd, trang 206.
- ^ Dương Hảo, sđd, trang 280-281.
- ^ Paris, 30/4/1975
- ^ Hồi ức của Đại tá Lê Nguyên Bình, dẫn theo Lê Đại Anh Kiệt, sđd, trang 185-186.
- ^ Hồi ức của Phạm Thị Kim Hoàng, dẫn theo Lê Đại Anh Kiệt, sđd, trang 188.
- ^ Hồi ức của Lê Ngọc Danh, dẫn theo Lê Đại Anh Kiệt, sđd, trang 194.
- ^ Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tập VIII, trang 452-453.
- ^ Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tập VIII, trang 454-457.
- ^ Grant Evans - Kelvin Rowley, sđd, trang 114-115.
- ^ Lịch sử Cục tác chiến, trang 610.
- ^ Lịch sử lữ đoàn hải quân đánh bộ 101 (1965-2005), trang 37.
- ^ Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 (Biên niên sự kiện), trang 227.
- ^ Alan Dawson, sđd, trang 2.
- ^ Số liệu do Trung tâm Lịch sử Quân sự của Quân đội Mỹ (U.S Army Center for Military History), Wasington, D.C. cung cấp, Dẫn theo Robert McNamara, Nhìn lại quá khứ - Tấn thảm kịch và những bài học ở Việt Nam, Dịch giả chính: Hồ Chính Hạnh. Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, trang 365.
- ^ Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tập VIII, trang 463.
- ^ Báo Nhân dân, 1/5/1975, trang 4.
- ^ Báo Nhân dân, 7/5/1975, tr. 4.
- ^ Báo Nhân dân, 4/5/75, trang 4.
- ^ Báo Nhân dân, 13/5/1975, tr. 4.
- ^ Báo Nhân dân, 20/5/75, tr. 4.
- ^ Báo Nhân dân, 19/5/75, tr. 4.
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]Việt Nam
[sửa | sửa mã nguồn]- Văn Tiến Dũng, Đại thắng mùa Xuân 1975, Nhà Xuất bản Thông tấn, Hà Nội, 2005.
- Nguyễn Hữu Đức - Nguyễn Thị Thanh (biên tập), Chiến dịch Hồ Chí Minh qua hồi ức của các vị tư lệnh và chính ủy, Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005.
- Phạm Ngọc Thạch - Hồ Khang và tập thể tác giả, Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tập VIII, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008.
- Dương Hảo, Một chương bi thảm, Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1980.
- Phạm Đức Hoàn (chủ biên), Lịch sử Quân đoàn 1 (1973-2003), Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003.
- Phạm Gia Đức - Phạm Quang Định (đồng chủ biên), Lịch sử Quân đoàn 2 (1974-2004), Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2004.
- Nguyễn Văn Biều, Lịch sử Bộ đội chủ lực Tây nguyên - Quân đoàn 3 (1964-2005), Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005.
- Hồ Sơn Đài (chủ biên), Lịch sử Quân đoàn 4 - Binh đoàn Cửu Long (1974-2004), Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2004.
- Nguyễn Quốc Dũng, Lịch sử Sư đoàn 9 bộ binh, Tập 1, Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1987.
- Thái Phương Huy - Phạm Thành Long, Lịch sử sư đoàn 303 - Phước Long, Tập 1, Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1990.
- Lê Đại Anh Kiệt, Tướng lĩnh Sài Gòn tự thuật, Nhà Xuất bản Công an Nhân dân, Hà Nội, 2003.
- Nguyễn Huy Toàn - Phạm Quang Định, Lịch sử Sư đoàn 304. Tập 2, Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1990.
- Võ Văn Sung, Chiến dịch Hồ Chí Minh giữa lòng Paris, Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005.
- Lịch sử Cục tác chiến, Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005.
- Hồ Sơn Đài (chủ biên), Lịch sử sư đoàn 5 bộ binh (1965-2005), Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005.
- Cao Văn Quý (chủ biên), Lịch sử lữ đoàn hải quân đánh bộ 101 (1965-2005), Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005.
- Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 (Biên niên sự kiện), Nhà Xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2005.
Nước ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]- Paul Drayfrus, Sài Gòn sụp đổ (nguyên tác: Et Tomba Saigon), Dịch giả: Lê Kim, Nhà Xuất bản Công an Nhân dân, Hà Nội, 2004.
- Frank Snepp, Cuộc tháo chạy tán loạn, Dịch giả: Ngô Dư, Nhà Xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1985.
- Alan Dawson, 55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ, Dịch giả: Cao Minh, Nhà Xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1990.
- Gabriel Kolko, Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Dịch giả: Nguyễn Tấn Cưu, Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003.
- Grant Evans - Kelvin Rowley, Chân lý thuộc về về ai (nguyên tác: Red Brotherhood at war), Dịch giả: Nguyễn Tấn Cưu, Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân, 1986.
- Robert McNamara, Nhìn lại quá khứ - Tấn thảm kịch và những bài học ở Việt Nam, Dịch giả chính: Hồ Chính Hạnh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995.
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]- Các hình ảnh về những ngày cuối cùng trước khi Saigon sụp đổ của các PV Nước ngoài
- Chuyên trang về ngày 30 tháng 4 Lưu trữ 2005-05-19 tại Wayback Machine của báo Quân đội Nhân dân.