Nothing Special   »   [go: up one dir, main page]

Kinh Vĩnh Tế là một con kênh chảy qua địa phận hai tỉnh An GiangKiên Giang, thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Kinh Vĩnh Tế cùng với kênh Nhà Lê là những kênh đào lớn nhất trong lịch sử Việt Nam thời quân chủ[1].

Kênh Vĩnh Tế
Kinh Vĩnh Tế đoạn chảy qua thành phố Châu Đốc (An Giang)
Map
Thông tin chung
Quốc giaViệt Nam
Địa chỉAn GiangKiên Giang
Chủ đầu tưnhà Nguyễn
Xây dựng
Khởi công12 (âm lịch) năm 1819
Hoàn thành5 (âm lịch) năm 1824
Kích thước
Kích thướcKhoảng 87 km x 30 m x 2,55 m
Kinh Vĩnh Tế và vùng biên giới với Cao Miên của 2 tỉnh Hà Tiên, An Giang thời nhà Nguyễn độc lập và thời Pháp xâm lược Nam Kỳ.

Nguyên nhân

sửa

Kinh Vĩnh Tế đào song song với đường biên giới Việt NamCampuchia, bắt đầu từ bờ tây sông Châu Đốc thẳng nối giáp với sông Giang Thành, thuộc thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang ngày nay.

Nguyên nhân là vào năm 1816, khi thành Châu Đốc được đắp xong, Trấn thủ trấn Vĩnh Thanh Lưu Phước Tường tâu lên, vua Gia Long xem địa đồ miền đất này liền truyền: Xứ này nếu mở đường thủy thông với Hà Tiên, thì hai đàng nông thương đều lợi. Trong tương lai, dân đến ở làng đông, đất mở càng rộng, sẽ thành một trấn to vậy. Biết thế, nhưng nhà vua chưa ra lệnh đào ngay vì ngại đây là vùng đất mới mở, nhân dân còn cơ cực, nếu bắt làm xâu thêm khổ sở, lòng dân sẽ không yên [2]

Song mãi đến tháng 9 (âm lịch) năm Kỷ Mão (1819), vua Gia Long mới cho lịnh đào kinh, và công việc được bắt đầu khởi công vào ngày 15 tháng Chạp năm ấy[3]. Sách Quốc triều sử toát yếu, phần Chánh biên, chép:

"Tháng 9, (cho) đào sông Châu Đốc thông với Hà Tiên, gọi là sông Vĩnh Tế [4] Ngài (Gia Long) nghĩ trấn Vĩnh Thanh, trấn Hà Tiên gần nước Chân Lạp mà không có đàng thủy, qua lại không tiện. Lúc ấy có quan Chiêu thùy Chân Lạp là Đông Phòng sang chầu, Ngài đòi vào hỏi việc đào sông, (viên quan ấy) tâu rằng: 'Nếu đào sông ấy thời ích lợi cho dân Chân Lạp lắm'. Ngài vui lòng. Liền truyền dụ dân Vĩnh Thanh rằng: 'Công trình đào sông ấy rất khó, việc Nhà nước và cách phòng giữ bờ cõi quan hệ rất lớn. Các ngươi tuy khó nhọc một lần, mà ích lợi cho muôn đời ngày sau; dân ngươi phải báo cho nhau biết chớ nên sợ nhọc'" [5].

Các giai đoạn đào kênh Vĩnh Tế

sửa

Công trình đào kinh Vĩnh Tế kéo dài từ thời tướng Nguyễn Văn Nhơn làm Tổng trấn Gia Định Thành (1819-1820) cho đến thời tướng Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn Gia Định Thành (1820-1832) mới xong. Có thể xem hai ông như là "Tổng chỉ huy" của công trình. Ngoài ra, lần lượt còn có sự góp sức của hai Phó tổng trấn là Trương Tấn BửuTrần Văn Năng.[6].

  • Đến tháng 4 (âm lịch) năm 1823, vua Minh Mạng lại cho thôi đào kinh Vĩnh Tế, vì "nhơn đến mùa hạ, mà việc đào sông chỉ còn hơn 1.700 trượng"[10].
  • Giai đoạn 3 (tức giai đoạn cuối): Từ tháng 2 (âm lịch) năm 1824 đến tháng 5 (âm lịch) năm 1824. Sách Quốc triều sử toát yếu, phần Chánh biên, chép: "Tháng 2, lại đào sông Vĩnh Tế. Năm ngoái còn 1.700 trượng, nay lại đào, đến tháng 5 mới xong, (cho) dựng bia làm ghi" [11]
-Chỉ huy trực tiếp: Nguyễn Văn ThoạiTrần Công Lại.
-Số lượng quân và dân phu của cả hai nước "lên tới 25.000 người" [12]

Một vài con số, được vinh danh

sửa
 
Kênh Vĩnh Tế, đoạn ở phía trước chợ Tịnh Biên

Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức chép về kinh Vĩnh Tế như sau:

"Vĩnh Tế Hà: Ở về phía tây đồn Châu Đốc. Năm Kỷ Mão (1819) niên hiệu Gia Long thứ 18, đo thẳng từ hào sau phía phải đồn Châu Đốc lên phía tây, qua láng (bưng) bùn Ca Âm đến Kỳ Thọ (tục gọi là Cây Kè) dài 44.412 tầm thành ra 205 dặm rưỡi (mỗi dặm bằng 1.700 thước nam), đặt tên là sông Vĩnh Tế...Ngày 15 tháng 12 khởi công. Trừ đoạn láng bùn 4.075 tầm không đào đến, còn thật sự đào là 26.279 tầm, cân nhắc chỗ đào khó dễ, nhân lực nặng nhẹ, bắt đầu từ miệng hào đến láng bùn đất khô cứng có 7.575 tầm là phần việc của người Việt, còn đất bùn nhão có 18.704 tầm là phần việc của dân Cao Miên (tức Chân Lạp). Đào bề ngang 15 tầm, sâu 6 thước ta, quan cấp mỗi tháng cho mỗi người là 6 quan tiền và 1 phương gạo. Đến ngày 15 tháng 3 năm đầu thời Minh Mạng (1820) thì xong việc, cộng thành sông mới, bề dài 140 dặm, nối tiếp sông cũ đến cửa biển Hà Tiên, tổng cộng dài 205 dặm rưỡi mà đường sông đi lại rất thông. Từ đó kế hoạch quốc gia về biên giới cũng như sự buôn bán của nhân dân cùng hưởng sự tiện lợi vô cùng"[13].

Chuyển đổi theo hệ đo lường ngày nay, thì kinh Vĩnh Tế có chiều dài là 87km, 340[14], rộng 30 m, độ sâu trung bình khoảng 2,55m. Tuy nhiên, trừ đoạn láng Náo Khẩu Ca Âm (7.650m) và chiều dài sông Giang Thành (42.500m) có sẵn, thì phần phải đào mới chỉ là 37 km, 190m [15].

Ước tính trong 5 năm, các quan phụ trách đã phải huy động đến hơn 90.000 dân binh [16]. Tổng số ngày công là 3.463.500, và khối lượng đất đào là: 2. 8 45.035 [17].

Bởi công việc ở chốn "đồng không mông quạnh", nhiều "sơn lam chướng khí"; việc ăn uống, thuốc men thảy đều thiếu thốn, khiến số người chết vì bệnh tật, kiệt sức, vì thú dữ như sấu, rắn rít... quá cao [18]. Và số người bỏ trốn rồi bỏ mạng cũng lắm, mặc dù luật lệ ràng buộc, nhiều tai ương, nhất là khi phải vượt qua sông Vàm Nao. Cho nên khi tin vui về đến Huế, vua Minh Mạng rất đỗi mãn nguyện vì nối được chí cha, liền sắc khen thưởng, dựng bia ở núi Sam và ở bờ kênh mới đào để ghi nhớ thành quả to lớn này [19].

Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), nhà vua cho đúc Cửu đỉnh để làm quốc bảo và tượng trưng cho sự miên viễn của hoàng gia, hình kênh Vĩnh Tế được chạm khắc trên Cao đỉnh.

Lợi ích

sửa
 
Kênh Vĩnh Tế năm 1929

Như đã nói ở phần trên, trước khi khởi đào, vua Gia Long đã có lời dụ cho dân chúng, vừa động viên vừa chỉ rõ sự lợi ích của việc đào kinh.

Năm 1822, vua Minh Mạng lại có chỉ dụ tương tự:

Đường sông Vĩnh Tế liền với Tân Cương, xe thuyền qua lại tiện lợi lắm. Đức Hoàng Khảo Thế Tổ Cao Hoàng Đế ta (ý nói vua Gia Long) mưu sâu nghĩ xa, chú ý việc ngoài biên. Vừa mới mở đào, công việc chưa xong. Nay ta theo chí Tiên hoàng, chỉ nghĩ cách khó nhọc một lần mà được thong thả lâu dài. Các ngươi phải trù nghĩ thế nào cho mau xong, để xứng đáng ý ta[20].

Đào xong, Đại Nam nhất thống chí, phần An Giang tỉnh, một lần nữa ghi nhận là Từ ấy đường sông lưu thông, từ kế hoạch trong nước, phòng giữ ngoài biên cho tới nhân dân mua bán đều được tiện lợi vô cùng.

Đến bây giờ, kinh vẫn còn giá trị lớn về các mặt trị thủy, giao thông, thương mại, biên phòng, thể hiện sức lao động sáng tạo xây dựng đất nước của nhân dân Việt và chính sách coi trọng thủy lợi để phát triển nông nghiệp của triều Nguyễn.

Nên ca dao có câu:

Kinh Vĩnh Tế, biển Hà Tiên,
Ghe thuyền xuôi ngược bán buôn dập dìu.

Tế nghĩa trủng văn

sửa
 
Nghĩa trủng, nơi cải táng hài cốt của những người đã chết trong lúc đào kênh Vĩnh Tế.

Tế nghĩa trủng văn còn được gọi là Thừa đế lịnh, tế cô hồn kinh Vĩnh Tế tân kinh, do Thoại Ngọc Hầu cho soạn theo lịnh vua, để ông đọc trong buổi lễ tế các chiến sĩ, các sưu dân đã bỏ mình trong công tác đào kênh Vĩnh Tế.

Trích bản dịch:

...Đào kinh trước, mấy kỳ khó nhớ
Khoác nhung y chống đỡ biên cương.
Xông pha máu nhuộm chiến trường
Bọc thây da ngựa, gửi xương xứ này
Quê cách trở, lấy ai hộ tống,
Sống làm binh, thác chống quỷ ma.
Than ôi, ai cũng người ta,
Mà sao người lại thân ra thế này?...
...Giờ ta vâng lệnh bệ rồng,
Dời ngươi an táng nằm chung chốn nầy.
Chọn đất tốt thi hài an ổn,
Cảnh trời thanh vui nhộn cùng nhau.
Hằng năm cúng tế dồi dào,
Tràn trề lễ trọng dám nào để vơi...[21]

Với người Khmer

sửa
 
Kênh Vĩnh Tế được chạm khắc trên Cao đỉnh

Quá trình xây dựng kinh Vĩnh Tế đã để lại trong cộng đồng người Khmer những câu chuyện về cách đối xử hà khắc của người Việt đối với người Khmer. Sau này Khmer Đỏ đã sử dụng những câu chuyện này trong các chiến dịch tuyên truyền khơi dậy lòng hận thù của người Campuchia đối với người Việt[22]. Song theo một số nhà nghiên cứu, thì đây chỉ là một sự bịa đặt để gây căng thẳng mối quan hệ giữ hai nước, vì lúc ấy quân dân Chân Lạp tham gia đào kinh được đặt dưới quyền của các đầu mục của nước ấy như Đồng Phù, Nhâm Lịch Đột,... được nhà Nguyễn cấp tiềngạo, và được giao cho phần đất dễ đào như sách Gia Định thành thông chí đã ghi: "bùn đất khô cứng là phần việc của người Việt, còn đất bùn nhão là phần việc của dân Cao Miên"[23].

Sách tham khảo chính

sửa
  • Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều sử toát yếu, phần Chánh biên (bản dịch. Trong bài viết tắt là Toát yếu). Nhà xuất bản Văn học, 2002.
  • Nguyễn Văn Hầu, Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang. Nhà xuất bản Hương Sen, Sài Gòn, không ghi năm xuất bản.
  • Nhiều người soạn, Địa chí An Giang (Tập 2), UBND tỉnh An Giang ấn hành, 2007.
  • Nhiều tác giả, Kỷ yếu Hội thảo khoa học danh nhân Thoại Ngọc Hầu do *Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, UBND tỉnh An Giang và UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức và ấn hành năm 2009. Trong bài viết tắt là "Kỷ yếu".

Chú thích

sửa
  1. ^ Theo Kỷ yếu, tr. 65.
  2. ^ Theo Quốc triều sử toát yếu, phần Chánh biên (bản dịch, tr. 130).
  3. ^ Theo Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, mục "Vĩnh Tế Hà".
  4. ^ Lẽ ra phải viết là "sau gọi là sông (kinh) Vĩnh Tế" mới đúng, vì lúc ấy kinh chưa đào và chưa được tứ danh. Có lẽ sử thần khi chép lại đã không chú ý đến thời gian tính trong lời nói của nhà vua (giải thích theo Nguyễn Văn Hầu, tr. 193).
  5. ^ Theo Toát yếu (bản dịch, tr. 140). Thông tin thêm: Vào thời điểm bắt đầu đào cho đến lúc hoàn thành xong kênh Vĩnh Tế, thì con k1nh này là một con sông nhân tạo mang tính quốc tế, lộ trình của tuyến kinh đi qua lãnh thổ của cả hai nước Đại NamCao Miên. Hai đoạn đầu (ngã ba sông Châu Đốc tại Châu Đốc) và cuối (ngã ba nối với sông Giang Thành tỉnh Hà Tiên) kinh nằm trên đất Đại Nam. Khúc giữa cắt qua huyện Chân Thành phủ Chân Thành (tức phủ Chân Chiêm) của Cao Miên. Huyện này đến năm 1839 mới được chính thức nhập vào Đại Nam, trở thành phủ Tĩnh Biên tỉnh Hà Tiên, gồm 2 huyện Hà Âm (nay là huyện Kiri Vong tỉnh Takéo Campuchia) và Hà Dương (nay là các huyện Tịnh BiênTri Tôn tỉnh An Giang Việt Nam). Tháng 4 âm lịch năm 1824, Nặc Ông Chân (Ang Chan II), hiến tặng nhà Nguyễn thông qua Nguyễn Văn Thoại (để trả ơn Thoại), 3 vùng Chân Sum (còn gọi là Chân Thành hay Chân Chiêm, nằm giữa Giang Thành và Châu Đốc), Mật Luật (Ngọc Luật, cũng nằm giữa Giang Thành và Châu Đốc), Lợi Kha Bát (Prey Kabbas tỉnh Takeo). Nhà Nguyễn chỉ lấy 2 đất Chân Sum và Mật Luật. Chân Sum sau được phân vào hai huyện Hà Âm và Hà Dương từng thuộc phủ Tĩnh Biên Hà Tiên, trước khi chia về cho tỉnh An Giang (theo Đại Nam thực lục, chính biên, đệ nhị kỷ, quyển CCVII, Thực lục về Thánh tổ Nhân hoàng đế, tập 5, trang 617).
  6. ^ Theo Châu Hữu Hầu, Kỷ yếu, tr. 56.
  7. ^ Ghi theo Gia Định thành thông chí, mục "Vĩnh Tế Hà"
  8. ^ Theo Châu Hữu Hầu, trong thời gian kể từ tháng 3 năm 1820 cho đến tháng 2 năm 1823, triều Nguyễn định tái tục đào kênh cả thảy 3 lần, nhưng vì nhiều lý do đành phải hoãn (Kỷ yếu, tr. 56). Thông tin thêm: 'Toát yếu (bản dịch, tr. 148), chép: "Mùa thu qua mùa đông năm ấy (1820), khởi đầu từ Hà Tiên suốt đến Bắc thành, số dân chết đến 206.835 người, đó là không kể người ngoại tịch" (bản dịch, tr. 148). Trong số người chết có thi hào Nguyễn Du.
  9. ^ Ghi theo Nguyễn Văn Hầu (tr. 193). Châu Hữu Hầu (Kỷ yếu, tr. 57) ghi khác: Binh và dân Việt: 35.000 người. Binh và dân Chân Lạp: 10.000 người. Tổng cộng: 45 ngàn người.
  10. ^ Trích trong 'Toát yếu (bản dịch, tr. 159).
  11. ^ Trích trong Toát yếu, phần Chánh biên (bản dịch, tr. 163).
  12. ^ Ghi theo Đại Nam nhất thống chí (phần "An Giang tỉnh", mục "Sơn Xuyên") và Nguyễn Văn Hầu (tr.194).
  13. ^ Gia Định thành thông chí: [1][liên kết hỏng]. Sách này ghi ngày xong việc là "15 tháng 3 năm đầu thời Minh Mạng" (1820), là chưa chính xác. Bởi đó chỉ là xong giai đoạn đầu. Phải đào tiếp đến tháng 5 (âm lịch) năm 1824 mới hoàn thành như Toát yếu (bản dịch, tr. 163) đã ghi.
  14. ^ Bách khoa toàn thư Việt Nam, mục từ: "Kênh Vĩnh Tế" ghi chiều dài kênh tương đương 87 km.
  15. ^ Theo Châu Hữu Hầu (Kỷ yếu, tr.5). Theo Nguyễn Văn Hầu (tr. 191), bề sâu có 6 thước (thước cũ dài khoảng 0,425m; tức sâu 2,55m) là khá cạn. Hiện nay nhờ nhiều lần nạo vét, nên đã sâu hơn nhiều.
  16. ^ Con số này tính theo Nguyễn Văn Hầu, do nhiều đợt gọp lại, không phải ngần ấy người có mặt một lúc tại công trường.
  17. ^ Theo Châu Hữu Hầu, Kỷ yếu, tr. 65.
  18. ^ Sau, Thoại Ngọc Hầu cho gom nhặt hài cốt, cải táng nơi sơn lăng của mình tại chân Núi Sam và đặt tên là Nghĩa trủng.
  19. ^ Vua cho phép Thoại Ngọc Hầu lấy tên vợ là Châu Thị Tế, dòng họ Châu vĩnh, đặt tên cho núi SamVĩnh Tế Sơn và dòng kênh mới đào là Vĩnh Tế Hà. Xem thêm phần bia Vĩnh Tế Sơn nơi trang núi Sam.
  20. ^ 'Toát yếu (bản dịch), tr. 157.
  21. ^ Chép theo Nguyễn Văn Hầu, Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang, sách đã dẫn.
  22. ^ Nayan Chanda, Brother Enemy, Harcourt Brace Jovanovich, 1986, tr. 52.
  23. ^ Theo Kỷ yếu (tr. 63).